Mỹ tuyên bố "kỷ nguyên mới" về cam kết của Mỹ ở "Ấn Độ - Thái Bình Dương" với việc công bố sáng kế đầu tư 113 triệu USD cho các mảng kinh tế số, năng lượng và hạ tầng ở khu vực này.
Theo South China Morning Post, kế hoạch đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khu vực của Mỹ mang tên "Tầm nhìn Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương". Sáng kiến này được Ngoại trưởng Mike Pompeo công bố ngày 30/7 tại Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ - Thái Bình Dương ở Washington DC.
Ông Pompeo trong ngày mai cũng sẽ lên đường để tới Malaysia, Singapore và Indonesia, nơi ông sẽ thảo luận về kế hoạch mới này của Mỹ.
Chương trình mới này đồng thời tăng gấp đôi mức chi tiêu tối đa cho hỗ trợ tài chính phát triển lên 60 tỷ USD. Các công ty tư nhân sẽ tiếp cận được nguồn vốn lớn hơn để thực hiện các dự án ở nước ngoài.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: CNBC. |
Mỹ cũng sẽ chi 25 triệu USD để thúc đẩy xuất khẩu công nghệ vào khu vực. Đồng thời, dự án sẽ bổ sung gần 50 triệu USD trong năm nay để hỗ trợ các nước sản xuất và dự trữ năng lượng, tạo một mạng lưới hỗ trợ mới để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng.
Phát biểu tại sự kiện, Ngoại trưởng Pompeo khẳng định đầu tư sẽ trở thành trụ cột trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Tổng thống Donald Trump. Ngoài ra, sáng kiến cũng nhận được sự ủng hộ thông qua thỏa thuận đầu tư 3 bên giữa Mỹ, Australia và Nhật Bản được công bố tại cùng sự kiện.
"Chúng tôi muốn tất cả các nước có khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia chống lại sự cưỡng ép từ nước khác. Chúng tôi mong muốn các tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp hàng hải được giải quyết một cách hòa bình", ông Pompeo nói thêm.
"Dự án của chúng tôi không loại trừ bất kỳ quốc gia nào. Bất cứ nơi nào nước Mỹ đến, chúng tôi muốn có đối tác chứ không phải sự thống trị. Chúng tôi tin vào các quan hệ đối tác chiến lược, không phải sự phụ thuộc chiến lược", ngoại trưởng Mỹ khẳng định.
Ông cũng nhấn mạnh khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng, tự do và mở cửa sẽ mang lại lợi ích lớn cho nước Mỹ và cả thế giới.
Sáng kiến của Pompeo có thể giúp Mỹ tái lập sức ảnh hưởng kinh tế tại châu Á sau khi Tổng thống Trump rút nước này khỏi TPP. Ảnh: Reuters. |
Bà Bonnie Glaser, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), đánh giá sáng kiến của ông Pompeo có thể giúp Mỹ tái lập sức ảnh hưởng tại khu vực. Sáng kiến này cũng giúp giảm những nghi ngờ về khả năng Mỹ duy trì các cam kết nằm ngoài lĩnh vực quân sự quốc phòng.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng sáng kiến đầu tư mới của Mỹ là một thách thức nhắm vào dự án "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc.
Tuyên bố của ông Pompeo được đưa ra giữa lúc hai nước vẫn chưa thoát khỏi vòng xoáy chiến tranh thương mại với những lệnh áp thuế hàng chục tỷ USD nhắm vào hàng hóa của nhau.
SCMP dẫn lời nhiều chuyên gia tại Trung Quốc cho rằng tầm nhìn kinh tế mới của Washington tại khu vực có thể làm quan hệ song phương Mỹ - Trung thêm phức tạp.