Theo ABC News, chiến đấu cơ hiện đại F-22 lần đầu tiên được Mỹ triển khai kể từ tháng 9/2014 cho các hoạt động quân sự ở Iraq và Syria. Kể từ đó, những chiếc F-22 đã thả hơn 200 quả bom trong 150 lần không kích nhằm vào mục tiêu.
"Những chiếc F-22 đảm nhận nhiệm vụ phá hủy các trại huấn luyện của IS, cơ sở sản xuất và lưu trữ thiết bị nổ, các khu vực giao tranh, trung tâm chỉ huy cũng như mạng lưới phân phối dầu lậu của tổ chức khủng bố này", Đại úy Không quân Joseph Simms nói với ABC News.
Tiêm kích tàng hình F-22 Raptor phóng tên lửa AIM-9 Sidewinder.
"Có thể nói, F-22 được giao nhiêm vụ thực hiện các đợt không kích nhằm vào các mục tiêu quan trọng". Trên thực tế, những nhiệm vụ này không phải là thế mạnh của chiến đấu cơ F-22. Những chiếc F-22 được chế tạo chủ yếu nhằm phục vụ cho khả năng tác chiến không-đối-không.
"F-22 không thực sự cần thiết để triển khai ở Syria hay Iraq", phát ngôn viên Không quân Mỹ, Thiếu tá Tim Smith nói với ABC News. "Nhưng đây là một công cụ mạnh mẽ và được sử dụng cho các đợt không kích cần độ chính xác cao".
Tiêm kích F-22 Raptor được chế tạo và phát triển vào cuối những năm 1980, 1990 nhằm chống lại các mối đe dọa trên không từ Nga hay Trung Quốc, chứ không phải nhằm và những phiến quân khủng bố không hề có khả năng phòng không như al-Qaeda, Taliban và giờ đây là IS.
Chính phủ Mỹ ban đầu dự định mua 600 chiếc F-22 nhưng chỉ 200 chiếc là thực sự được chuyển giao do chi phí nghiên cứu và phát triển đội lên quá cao (từ 80 triệu USD lên đến 400 triệu USD/chiếc).
"F-22 rõ ràng là một viên đạn bạc trong một vài kịch bản chiến tranh tiềm năng, chuyên dùng để tiêu diệt những chiến đấu cơ hiện đại của đối phương. Tuy vậy, tiêm kích này lại không đóng vai trò rõ rệt trong các cuộc xung đột khác", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates phát biểu năm 2009.
Năm 2011, Thượng Nghị sĩ Mỹ John McCain còn cho rằng, chiếc F-22 sẽ không bao giờ có thể hoạt động đúng như mục đích ban đầu mà nó được chế tạo. "Đơn giản là bởi vì những mối đe dọa đó không hề tồn tại".
Giờ đây ở Syria và Iraq, Mỹ vẫn không thể tìm ra "phi đội máy bay hiện đại của đối phương". Những chiếc F-22 do vậy cũng chỉ có thể sử dụng cho các nhiệm vụ không-đối-đất tương tự như máy bay chiến đấu F-16 hay thế hệ mới nhất là F-35 Lightning.
Mặc dù không thực sự cần thiết, các quan chức Mỹ vẫn hết lời ca ngợi F-22 trong các sứ mệnh ở Trung Đông. Năm ngoái, một chỉ huy phi đội giấu tên nói rằng, nhờ có khả năng tàng hình mà chiếc F-22 có thể hoạt động tác chiến gần mục tiêu hơn mà không lo ngại bị phát hiện.
Tướng Không quân Mỹ Hawk Carlisle cho rằng, nhờ có F-22 mà hoạt động tác chiến của Mỹ hiệu quả hơn rõ rệt. F-22 có thể sử dụng cảm biến hiện đại để giúp các chiến đấu cơ khác xác định mục tiêu.
Ngay cả Thượng Nghị Sĩ John McCain mới đây cũng phải thừa nhận, "những chiếc F-22 đã khiến các máy bay Nga, tên lửa phòng không của đồng minh Assad phải dè chừng trong khi vẫn không kích các mục tiêu khủng bố IS".
Những người ủng hộ dự án F-22 hồi năm 2009 và gần đây nhất đều nói rằng, tiêm kích tàng hình này sẽ xứng đáng với chi phí chế tạo và nghiên cứu đắt đỏ nếu như Mỹ tham gia vào xung đột với Nga hay Trung Quốc, bởi các cường quốc này đều đang phát triển các thế hệ tiêm kích tàng hình của riêng mình để đối trọng lại với F-22 Raptor.
Trong khi đó, Không quân Mỹ cũng đã đưa những chiếc F-22 đến thực hiện sứ mệnh "răn đe" trên khắp thế giới. Tuần trước, 4 chiếc F-22 bay theo đội hình cùng với máy bay chiến đấu Hàn Quốc trên bán đảo Triều Tiên như một bước đi khẳng định "quan hệ đồng minh vững chắc" giữa Washington và Seoul.
Chuyến bay tuần tra diễn ra chỉ vài ngày sau khi Triều Tiên bị cộng đồng quốc tế lên án vì phóng thử tên lửa tầm xa.
Đăng Nguyễn