Tháng trước, Mỹ cũng đã chia sẻ khoảng 4 triệu liều vaccine với hai nước láng giềng là Canada và Mexico. Vaccine AstraZeneca được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới nhưng vẫn chưa được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấp phép lưu hành.
Nhà Trắng đang ngày càng cảm thấy yên tâm về nguồn cung 3 loại vaccine đang được sử dụng ở Mỹ, đặc biệt là sau khi có thêm vaccine Johnson & Johnson (J&J) chỉ cần một mũi tiêm duy nhất.
Trong những tuần gần đây, Mỹ cũng đang phải chịu áp lực ngày càng lớn trong việc chia sẻ nhiều hơn nguồn cung vaccine với thế giới, khi một trong những quốc gia chủ lực sản xuất vaccine là Ấn Độ đang chìm trong khủng hoảng dịch bệnh.
“Với danh mục vaccine mạnh mẽ mà Mỹ đã có và đã được FDA cho phép và do vaccine AstraZeneca không được phép sử dụng ở Mỹ, chúng tôi đang xem xét các lựa chọn để chia sẻ vaccine với các quốc gia khác", điều phối viên COVID-19 của Nhà Trắng Jeff Zient cho biết.
Khoảng 53% dân số trưởng thành của Mỹ đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine do các hãng dược Pfizer, Moderna và J&J sản xuất.
Khoảng 10 triệu liều vaccine AstraZeneca đã được sản xuất nhưng vẫn chưa được FDA đánh giá để “đáp ứng kỳ vọng về chất lượng sản phẩm”, điều phối viên Zient cho biết.
Khoảng 50 triệu liều vaccine khác đang trong các giai đoạn sản xuất khác nhau và có thể xuất xưởng vào mùa hè năm nay.
Mỹ vẫn chưa cho biết sẽ xuất khẩu lượng vaccine thừa tới nước nào, nhưng các quốc gia láng giềng như Mexico và Canada đang yêu cầu được hỗ trợ thêm vaccine, trong khi nhiều nước khác cũng đang "vật lộn" để tìm nguồn cung.
“Chúng tôi đang trong quá trình lập kế hoạch vào thời điểm này”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết.
Trước đó, chính phủ Mỹ đã ký hợp đồng với công ty AstraZeneca để cung cấp 300 triệu liều vaccine. Nhà Trắng cũng bắt đầu chia sẻ nguyên liệu để sản xuất vaccine AstraZeneca với Ấn Độ bằng cách chuyển một số đơn đặt hàng của mình cho Viện Huyết thanh của Ấn Độ.