Thông báo này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới ở châu Phi đưa ra lời kêu gọi chia sẻ thêm vaccine ngừa COVID-19 vì tình hình đáng báo động ở lục địa này, nơi các lô hàng gần như "tạm dừng" trong khi các ca nhiễm tăng đột biến trong hai tuần qua.
Nhìn chung, Nhà Trắng đã công bố kế hoạch chia sẻ 80 triệu liều vaccine trên toàn cầu vào cuối tháng 6, hầu hết thông qua COVAX. Phía Mỹ sẽ chỉ dữ lại 1/4 số vaccine dư thừa để trực tiếp viện trợ các đồng minh và đối tác.
"Chừng nào đại dịch này còn hoành hành ở mọi nơi trên thế giới, người dân Mỹ vẫn sẽ dễ bị tổn thương", ông Biden tuyên bố.
Trong số 19 triệu liều đầu tiên được quyên góp thông qua COVAX, khoảng 6 triệu liều sẽ đến Nam và Trung Mỹ, 7 triệu đến châu Á và 5 triệu đến châu Phi.
6 triệu liều còn lại sẽ được Nhà Trắng chuyển đến các đồng minh và đối tác của Mỹ, bao gồm Mexico, Canada, Hàn Quốc, Bờ Tây và Gaza, Ấn Độ, Ukraine, Kosovo, Haiti, Georgia, Ai Cập, Jordan , Iraq, và Yemen, cũng như cho các nhân viên tuyến đầu của Liên hợp quốc.
Nhà Trắng không cho biết khi nào các liều vaccine này sẽ bắt đầu được vận chuyển ra nước ngoài, nhưng thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết chính quyền Biden hy vọng sẽ gửi chúng “càng nhanh càng tốt”.
Phó Tổng thống Kamala Harris đã thông báo với một số đối tác của Mỹ sẽ sớm được nhận vaccine, trong các cuộc gọi riêng với Tổng thống Mexico Andres Manuel López Obrador, Tổng thống Alejandro Giammattei của Guatemala, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Keith Rowley của Trinidad và Tobago.
Chính quyền Biden trước đó đã cam kết cung cấp cho các quốc gia khác 60 triệu liều vaccine AstraZeneca do nước này sản xuất, loại vaccine này hiện vẫn chưa được phép sử dụng ở Mỹ nhưng đã được chấp thuận rộng rãi trên khắp thế giới.