Đây được cho là bước đi rõ ràng nhằm bác bỏ "chiến dịch gây áp lực tối đa" của cựu Tổng thống Donald Trump nhằm cô lập nước Cộng hòa Hồi giáo.
Phát biểu trước các phóng viên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết: “Chúng tôi nhận thức được mối đe dọa của Iran về việc ngừng thực thi Nghị định thư bổ sung của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, không cho phép các thanh sát viên đến thanh sát các cơ sở hạt nhân theo thỏa thuận năm 2015 cũng như việc Iran có những bước đi khác vượt giới hạn mà thỏa thuận hạt nhân cho phép. Tuy nhiên, những điều này vẫn có thể đảo ngược và con đường ngoại giao vẫn rộng mở”.
Người phát ngôn Ned Price cũng cho biết, nước này sẽ chấp nhận lời mời từ Liên minh châu Âu để tham dự cuộc họp của các nước tham gia thỏa thuận hạt nhân 2015. Mỹ chưa tham gia một cuộc gặp nào của nhóm P5+1 kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm 2018 và áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.
Dự kiến, Liên minh châu Âu sẽ sớm đưa ra lời mời giành cho Mỹ sau các cuộc thảo luận giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và những người đồng cấp từ Anh, Pháp và Đức vào hôm 18/2.
Những tuyên bố của phía Mỹ đưa ra ngay sau cuộc gặp 4 bên gồm Anh, Pháp, Đức và Mỹ thảo luận về vấn đề hạt nhân Iran. Trong tuyên bố chung sau cuộc họp, ngoại trưởng bốn nước khẳng định mục tiêu chung là đưa Iran trở lại tuân thủ đầy đủ các cam kết trong Thỏa thuận hạt nhân năm 2015, được biết đến dưới tên gọi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) đồng thời kêu gọi Iran không thực hiện thêm bất kỳ bước nào liên quan đến việc đình chỉ Nghị định thư bổ sung và bất kỳ giới hạn nào đối với hoạt động xác minh của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ở Iran.
Ngoại trưởng Đức nói: “Chúng tôi là những người giữ cho Thỏa thuận này tồn tại trong những năm gần đây và bây giờ chúng tôi muốn hỗ trợ Mỹ tìm đường trở lại Thỏa thuận hạt nhân. Chúng tôi đánh giá cao nếu Iran có những hành động thiện chí trong những ngày tới”.
Iran bắt đầu vi phạm các điều khoản từ năm 2019 để phản ứng với việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân dưới thời Tổng thống Donald Trump và hiện lâm vào tình trạng bế tắc với chính quyền Tổng thống Joe Biden về việc bên nào nên hành động trước để cứu thỏa thuận.
Iran đã đặt thời hạn vào tuần tới để Tổng thống Biden bắt đầu đảo ngược các lệnh trừng phạt do chính quyền tiền nhiệm áp đặt hoặc Iran sẽ ngăn cản các cuộc thanh sát mà Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế được phép tiến hành theo Nghị định thư bổ sung. Theo kế hoạch, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế Rafael Grossi sẽ thăm Iran vào ngày mai (20/2) để tìm kiếm một thỏa thuận về cách thức triển khai công việc của cơ quan này ở Iran do kế hoạch thu hẹp phạm vi hợp tác của nước Cộng hòa Hồi giáo với IAEA.
Các nhà phân tích cho rằng hiện chỉ còn cơ hội rất nhỏ để cứu thỏa thuận hạt nhân lịch sử và các cường quốc trên thế giới sẽ phải hành động nhanh chóng./.