Trong một tuyên bố, một quan chức Mỹ nêu rõ: "Thật đáng thất vọng khi thấy Triều Tiên tiếp tục ưu tiên chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo bị cấm".
Quan chức này cho biết Mỹ đang thúc giục Triều Tiên "tham gia vào các cuộc đàm phán bền vững và thực chất để đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn", khi đề cập đến thỏa thuận mà lãnh đạo hai nước đạt được tại hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên vào năm 2018 tại Singapore. Tại hội nghị thượng đỉnh này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rằng Washington sẽ đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng để đổi lấy việc phi hạt nhân hóa "hoàn toàn" Bán đảo Triều Tiên.
Quan chức trên khẳng định Mỹ vẫn theo đuổi tầm nhìn mà Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đặt ra tại Singapore.
Trước đó, ở phần cuối cuộc duyệt binh trên quảng trường Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên đã giới thiệu một mẫu ICBM hoàn toàn mới, trong đó bệ phóng tên lửa kiêm xe chở (TEL) có đến 11 trục, 22 bánh xe.
Trang tin NK News cho rằng đây có thể là mẫu ICBM cơ động trên bộ lớn nhất từng được chế tạo. Mẫu ICBM mới này được cho là phát triển từ Hwasong-15, loại tên lửa mang vũ khí hạt nhân lớn nhất mà Triều Tiên đang sở hữu. Mẫu TEL chở Hwasong-15 chỉ có 9 trục và 18 bánh xe. Thiết kế tên lửa dài hơn có thể nhằm 2 mục tiêu: tăng tầm bắn của tên lửa và có khả năng trang bị thêm nhiều đầu đạn. Tầm bắn của Hwasong-15 được ước tính hơn 12.800 km.
Trong khi đó, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn nhận định chuyên gia cho rằng tên lửa mới của Triều Tiên có thể không đủ khả năng mang nhiều đầu đạn. Phần chóp của tên lửa khá nhọn, trong khi tên lửa mang nhiều đầu đạn cần có chóp tròn hơn. Một quan chức quân sự Hàn Quốc nhận định đây là phiên bản nâng cấp của Hwasong-15 hoặc là thế hệ 16 của dòng tên lửa này.