Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, hai bên đã không tổ chức họp báo chung sau khi cuộc gặp trên kết thúc. Dự kiến, ông Pompeo sẽ đưa ra tuyên bố với báo giới vào cuối ngày.
Cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Pompeo và Thủ tướng Modi diễn ra trước thềm cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ với nhà lãnh đạo Ấn Độ tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra từ ngày 28 - 29/6 tại Osaka, Nhật Bản
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ, ông Pompeo sẽ có cuộc hội đàm chi tiết với người đồng cấp nước chủ nhà Subrahmanyam Jaishankar vào tối cùng ngày. Các vấn đề như Ấn Độ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, chủ nghĩa khủng bố, thị thực H1B, thương mại và một số vấn đề nảy sinh từ các lệnh trừng phạt của Mỹ do mua dầu của Iran nhiều khả năng sẽ là trọng tâm của cuộc hội đàm này.
Trong chuyến công du Ấn Độ từ ngày 25 - 27/6, Ngoại trưởng Mỹ cũng sẽ gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp Ấn Độ và Mỹ, và có bài phát biểu về chính sách tại Trung tâm quốc tế Ấn Độ ở thủ đô New Delhi. Ông cũng sẽ gặp Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval để trao đổi về vấn đề chống khủng bố và an ninh quốc gia.
Đây là chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên của một quan chức cấp cao nước ngoài sau cuộc bầu cử Hạ viện khóa 17 ở Ấn Độ. Một số nguồn tin ngoại giao cho rằng chuyến thăm dường như chỉ nhằm mang lại sự hiểu biết lẫn nhau giữa những người đứng đầu của Bộ Ngoại giao hai nước, chứ không nhằm giải quyết các vấn đề trong quan hệ song phương.
Thay vào đó, hai bên sẽ tìm cách đạt được nhận thức chung về cách thức thúc đẩy xử lý các bất đồng và mở rộng lĩnh vực cùng quan tâm. Trong khi đó, ông Pravin Sawhney, chuyên gia về an ninh và quốc phòng Ấn Độ, nhận định hai bên khó có khả năng ra được những tuyên bố về các vấn đề quan trọng mà chủ yếu tạo nền tảng cho mối quan hệ đối tác song phương chiến lược.
Chuyến công du của Ngoại trưởng Pompeo diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ đang gặp nhiều sóng gió với tâm điểm là những bất đồng về thương mại. Việc Tổng thống Trump thúc đẩy chính sách "Nước Mỹ trước tiên", từ chối miễn trừ Ấn Độ khỏi các mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm thép và nhôm, và mới đây nhất là chấm dứt chương trình ưu đãi thương mại đối với New Delhi trong khuôn khổ chương trình Hệ thống Ưu đãi phổ cập (GSP) kể từ ngày 5/6 đã khiến mối quan hệ đồng minh này rạn nứt.
Đáp trả động thái mới nhất này, Ấn Độ đã quyết định tăng thuế đối với 28 mặt hàng nhập khẩu của Mỹ sau nhiều lần trì hoãn kể từ khi công bố kế hoạch này hồi năm ngoái. Việc Ấn Độ có kế hoạch mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga trị giá 5,2 tỷ USD cũng là trở ngại lớn trong quan hệ hai nước, làm dấy lên khả năng Washington áp đặt trừng phạt New Delhi liên quan đến thương vụ này.