Theo ông Mnuchin, phía TikTok cũng đã cam kết xây dựng một trụ sở toàn cầu, dự kiến có 200.000 việc làm. Thời hạn hoàn tất thỏa thuận được ấn định vào ngày 20/9.
Oracle sau đó xác nhận rằng họ đã được phía ByteDance lựa chọn để bán lại hoạt động kinh doanh của TikTok tại thị trường Mỹ. Theo thỏa thuận được đề xuất, Oracle sẽ trở thành đối tác công nghệ của ByteDance, mặc dù các chi tiết của thỏa thuận và bản chất của sự hợp tác giữa hai công ty vẫn chưa được công bố.
Trước đó, chính quyền Trump đã ấn định thời hạn chuyển giao hoạt động của TikTok tại Mỹ cho một công ty Mỹ vào ngày 15/9, nếu không sẽ cấm ứng dụng này. Microsoft là công ty đầu tiên đề nghị mua lại TikTok, nhưng ByteDance đã từ chối lời chào mời của Microsoft vào ngày 13/9 và chọn Oracle.
Trung Quốc gọi Mỹ là "kẻ bắt nạt"
Ứng dụng chia sẻ video TikTok từ lâu đã bị giới chính trị Mỹ nghi ngại về khả năng lấy dữ liệu người dùng và gửi về cho các máy chủ đặt tại Bắc Kinh và có thể ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11.
Trong khi ByteDance liên tục phản đối các cáo buộc, chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn yêu cầu các hoạt động của TikTok trên đất Mỹ phải được vận hành và kiểm soát bởi một công ty Mỹ.
"Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố lập trường của mình về vấn đề TikTok. Mỹ đã thẳng tay đàn áp TikTok, đó là một thỏa thuận cưỡng chế điển hình. Tất cả những điều này công khai thể hiện ý định thực sự của một số chính trị gia Mỹ và bộ mặt xấu xí của việc bắt nạt kinh tế" , người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Phía Bắc Kinh tuyên bố sẽ hỗ trợ các công ty Trung Quốc cũng như kêu gọi Mỹ từ bỏ các thông lệ thiên vị và "cung cấp một môi trường kinh doanh cởi mở, công bằng và không phân biệt đối xử cho các công ty nước ngoài".