Trong quá khứ, mức thu nhập của một người dân Na Uy được đăng tải trong một cuốn sách. Một danh sách mức thu nhập, tài sản và mức thuế mà mỗi người dân phải trả đều có thể được tìm thấy trong thư viện công cộng. Ngày nay, thông tin đó còn được đăng tải trực tuyến.
Sự thay đổi này bắt đầu ở Na Uy từ năm 2001, và ngay lập tức nó đã tạo nên hiệu ứng.
"Nó trở thành một điều thú vị đối với nhiều người" - Tom Staavi, cựu chủ biên của tạp chí kinh tế VG, nhận định - "Khi đăng nhập vào tài khoản Facebook, bạn sẽ tự động biết được mức thu nhập của những người bạn trên mạng xã hội này".
Tính minh bạch là điều quan trọng, theo ông Staavi, một phần bởi người Na Uy phải đóng thuế thu nhập rất cao - trung bình là 40,2% tổng thu nhập, trong khi ở Anh là 33,3% và mức trung bình của toàn Liên minh châu Âu (EU) là 30,1%, theo thống kê từ Eurostat.
Người dân Na Uy có thể tra cứu mức thu nhập của bất cứ ai trên website cơ quan thuế. (Nguồn: BBC). |
"Khi phải trả mức thuế thu nhập cao như vậy thì bạn cần phải biết liệu mọi người có làm tương tự hay không, và cần biết rằng số tiền thuế đó đi đến đúng nơi của nó" - ông Staaavi nói - "Chúng tôi cần phải có niềm tin vào cả hệ thống thuế và hệ thống an ninh xã hội".
Trên thực tế, ở mọi nơi làm việc, người dân Na Uy đều có thể suy ra gần đúng mức thu nhập của đồng nghiệp của họ mà không cần phải đi tra cứu cho mất công. Mức lương ở rất nhiều ngành nghề được đưa ra thông qua nhiều thỏa thuận chung, trong khi mức chênh lệch thu nhập là khá thấp.
Ngoài ra, nếu xét theo tiêu chuẩn quốc tế thì mức chênh lệch thu nhập giữa các giới ở Na Uy cũng thấp. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng Na Uy ở vị trí thứ 3 trên tổng số 144 quốc gia xét về mức bình quân thu nhập ở cùng một công việc. Vậy nên việc đăng tải mức thu nhập lên Facbook cũng không khiến nhiều người ngạc nhiên.
Tuy nhiên, chính phủ Na Uy vẫn đặt ra một số biện pháp để tránh trường hợp tra cứu mức thu nhập của người khác một cách ẩn danh. Người dân nước này giờ cần phải đăng nhập số thẻ căn cước mới có thể truy mức thu nhập của một người khác trên website chính thức của cơ quan thuế.
"Kể từ năm 2014 trở đi, chúng ta đã có thể biết được người nào đã tra cứu mức thu nhập của chúng ta" - Hans Christian Holte, giám đốc Cơ quan Thuế Na Uy, cho hay.
Hiện nay Na Uy có khoảng 3 triệu người đóng thuế, trong tổng dân số 5,2 triệu người. Cơ quan thuế nước này ước tính có khoảng 16,5 triệu lượt tra cứu mức thu nhập trong năm nước khi các quy định mới được đặt ra. Ngày nay, chỉ có khoảng 2 triệu lượt tra cứu mức thu nhập mỗi năm. Trong một bản thăm dò dư luận mới đây, 92% người dân nước này nói rằng họ không tra cứu mức thu nhập của bạn bè, gia đình hay đồng nghiệp nữa.
"Trước đây tôi cũng có tra cứu, nhưng giờ thì tôi không làm vậy nữa" - Nelly Bjorge, một người dân sinh sống tại Oslo, cho hay - "Tôi từng tò mò về mức thu nhập của người hàng xóm, một số người nổi tiếng hay thành viên hoàng gia. Nhưng đôi lúc khó để biết những người siêu giàu có thu nhập thế nào bởi họ có nhiều cách để làm giảm con số đó".
Hege Glad, một giáo viên đến từ thành phố Fredrickstad phía Nam thủ đô Oslo, cho hay bà vẫn còn nhớ lại cái thời mà người ta phải đi xếp hàng để được tra cứu những quyển sách ghi mức thu nhập dày cộp ở thư viện công cộng, được phát hành mỗi năm một lần.
"Cha của tôi cũng là một người xếp hàng tra mức thu nhập. Có lần khi trở về nhà ông có tâm trạng không tốt bởi người hàng xóm của ông được liệt kê vào dạng thu nhập rất hạn chế, không có tài sản và mức đóng thuế cũng rất nhỏ" - bà Glad cho hay.
Dù khẳng định về tính minh bạch của hệ thống tra cứu mức thu nhập này, nhưng bà Glad cho hay nó cũng mang lại những hiệu ứng tiêu cực, điều mà bà từng tận mắt chứng kiến ở trường học nơi mình làm việc.
"Có lần khi đến lớp, một nhóm nam học sinh ùa tới kể cho tôi về mức lương khủng mà cha của một học sinh khác trong lớp kiếm được. Tôi chú ý thấy có một vài cậu bé không thuộc nhóm này lủi thủi một góc, rất ít nói. Bầu không khí đó không tốt chút nào" - bà Glad kể lại.
Còn có nhiều câu chuyện khác về những đứa trẻ sinh ra trong các gia đình thu nhập thấp bị bạn bè bắt nạt ở trường học chỉ vì mức thu nhập của cha mẹ chúng được công khai. Tuy nhiên, đa số người dân Na Uy cho rằng chính phủ của họ vẫn giữ được mức cân bằng cần có về việc công khai thu nhập.
Thực tế là chính phủ đã đặt ra nhiều biện pháp để ngăn chặn việc tra cứu nặc danh. Thêm vào đó, các biện pháp được đưa ra trong năm 2014 cũng cho phép một người có khả năng công khai các con số mà họ thấy đáng nghi sau khi tra cứu mức thu nhập của người khác. Điều này được cho là để phát giác các trường hợp trốn thuế.