Hãng CNBC dẫn nguồn báo cáo này cho biết, trong những năm tới, hai trung tâm tài chính của châu Á là Singapore và Hồng Kông sẽ thu hút được ngày càng nhiều tài sản từ trong và ngoài khu vực, đưa châu Á-Thái Bình Dương trở thành khu vực giàu nhất thế giới vào năm 2019.
Báo cáo của BCG đánh giá, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có tốc độ tăng trưởng tổng tài sản nhanh nhất trong năm 2016. Tuy nhiên, về tổng giá trị tài sản thì khu vực này vẫn xếp sau khu vực Bắc Mỹ. Tổng tài sản tư nhân tại châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản, được dự báo sẽ vượt khu vực Bắc Mỹ vào năm 2019, đạt mức 77,8 nghìn tỷ USD vào năm 2021.
“Ở châu Á - Thái Bình Dương, với đặc trưng là tốc độ tăng GDP mạnh, đây là chìa khoá cho sự gia tăng nguồn tài sản là từ nguồn tiền tiết kiệm mới”, báo cáo của BCG cho biết. Ngoài ra, theo BCG, Trung Quốc là nước có nguồn tiền gửi ở nước ngoài lớn nhất trong khu vực, với gần 12 nghìn tỷ USD trong các ngân hàng tư nhân.
Định nghĩ của BCG về tài sản tư nhân bao gồm tài sản của các hộ gia đình như bảo hiểm nhân thọ, lương hưu, và các tài sản khác như cổ phiếu, trái phiếu và tiền mặt.
Trong những năm tới, các trung tâm tài chính châu Á như Singapore và Hồng Kông sẽ thu hút nhiều tiền từ nước ngoài hơn so với đối thủ châu Âu là Thụy Sỹ.
Theo dự báo của BCG, tài sản nước ngoài tại Singapore và Hồng Kông sẽ tăng với tốc độ hàng năm tương ứng là 8% và 7% cho tới năm 2021. Tốc độ này cao hơn so với tốc độ tăng 3% ở Thụy Sỹ.
Tuy vậy, Thụy Sỹ vẫn là trung tâm quản lý tài sản nước ngoài lớn nhất thế giới. Trong năm 2016, số tài sản nước ngoài gửi ở Thụy Sỹ là 2,4 nghìn tỷ USD, cao hơn mức 1,2 nghìn tỷ USD ở Singapore và 0,8 nghìn tỷ USD ở Hồng Kông.
“Hồng Kông và Singapore vẫn những trung tâm quản lý tài sản nước ngoài tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Bởi cả hai hiện đang là địa điểm gửi tiền ưa thích của các khách hàng trong khu vực và cũng bởi những dự báo về sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, báo cáo cho biết.
Theo báo cáo, sự tăng trưởng này được dự báo sẽ tiếp tục trong dài hạn. Tuy nhiên, những biện pháp hạn chế chuyển vốn ra nước ngoài mà Trung Quốc đang áp dụng có thể khiến sự tăng trưởng này yếu đi đôi chút trong ngắn hạn.
Sự gia tăng tài sản nhanh chóng ở châu Á - Thái Bình Dương đã khiến các ngân hàng trong và ngoài khu vực mở rộng hoạt động quản lý tài sản tại đây.
Theo Dân Trí