Ngày 30/5, phát biểu trước thềm cuộc họp không chính thức cấp ngoại trưởng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Oslo (Na Uy), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định tổ chức này hiện đang thực hiện chương trình hỗ trợ kéo dài nhiều năm cho Ukraine.
Điều này có nghĩa các đồng minh NATO đều nhất trí rằng "cánh cửa của NATO luôn rộng mở" đối với Ukraine.
Ông Stoltenberg nhấn mạnh kể từ khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bùng phát hồi tháng 2/2022, các đồng minh NATO đã có những viện trợ quân sự quan trọng cho chính quyền Ukraine, đồng thời hy vọng sẽ có thêm nhiều thông báo và quyết định mới được các nước đưa ra trong thời gian sắp tới, cũng như tại Hội nghị thượng đỉnh NATO, dự kiến diễn ra vào tháng 7 tại Vilnius (Litva).
Bên cạnh đó, ông Stoltenberg cũng cho biết các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius dự kiến sẽ nhất trí các kế hoạch chi tiết để bảo vệ các nước đồng minh và đặt ra các yêu cầu cụ thể về khả năng mà từng đồng minh phải cung cấp và lực lượng nào được yêu cầu.
Ông nhấn mạnh: “Tất cả những điều này là một phần của quá trình chuyển đổi và củng cố NATO đã được tiến hành từ năm 2014, đó là tái cấu trúc NATO trong thập kỷ qua, để chuẩn bị cho NATO trong thập kỷ tới.”
Về vấn đề chi tiêu cho quốc phòng, Tổng thư ký NATO cho rằng mục tiêu dành 2% GDP không còn là mức trần mà liên minh hướng tới, mà đây là mức tối thiểu phải đạt được.
Cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để thảo luận cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, cũng như việc tiếp tục hỗ trợ Kiev.
Trong phát biểu đăng trên Twitter, Tổng thống Zelensky cho biết tại cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đã đề cập vấn đề tăng cường năng lực quốc phòng của Ukraine.
Ông cảm ơn Thủ tướng Scholz vì gói hỗ trợ quốc phòng trị giá 3 tỷ euro (khoảng 3,22 tỷ USD) cho Ukraine.
Hai bên cũng thảo luận việc thực hiện các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm gần đây của ông Zelensky tới Đức, cũng như việc phối hợp trước thềm các sự kiện quốc tế sắp tới.
Trong khi đó, theo người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Hebestreit, trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Scholz cam kết hỗ trợ nhiều hơn nữa cho Ukraine, cũng như phối hợp chặt chẽ với các đối tác châu Âu và quốc tế về vấn đề Ukraine.
Hai nhà lãnh đạo muốn duy trì liên lạc chặt chẽ, trong đó hướng tới mục tiêu kêu gọi "sự ủng hộ toàn cầu cho một giải pháp hòa bình."
Cũng trong ngày 30/5, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto đã thông báo cho Ủy ban Tình báo của Quốc hội (COPASIR) một nghị định mới về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Theo thông lệ, nội dung của nghị định này sẽ được giữ bí mật vì lý do an ninh quốc gia của Italy và Ukraine.
Nhưng theo tờ Repubblica, gói viện trợ mới tiếp tục phân bổ số vũ khí, đạn dược và các hệ thống phòng không mà Rome đã cung cấp trước đó, phù hợp với các quyết định được đưa ra trong cuộc họp vừa qua của Nhóm liên lạc Quốc phòng Ukraine tại căn cứ Ramstein ở Đức.
Đây là gói viện trợ quân sự thứ 7 mà Italy dành cho Kiev trong kể từ khi bùng phát cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine và là gói viện trợ quân sự thứ hai của chính phủ Thủ tướng cánh hữu Giorgia Meloni.