Trả lời báo giới, ông Peskov nhấn mạnh Washington và NATO đang làm leo thang căng thẳng thông qua "nhiễu loạn thông tin" và "các hành động cụ thể", cảnh báo nguy cơ xảy ra xung đột ở Ukraine là "rất cao". Ông Peskov cho biết thêm Tổng thống Nga Vladimir Putin đang thực hiện "các biện pháp cần thiết" để bảo vệ đất nước.
Cũng theo ông Peskov, Moskva hiện vẫn đợi phản hồi bằng văn bản từ Washington về đề xuất đảm bảo an ninh, và sẽ quyết định hành động tiếp theo sau khi nghiên cứu phản hồi này. Trước đó, các cuộc đàm phán về đề xuất đảm bảo an ninh diễn ra giữa Moskva và Washington không thu được kết quả nào.
Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin thuộc phái đoàn Nga ngày 24/1 cho biết các cố vấn chính trị từ Nga, Ukraine, Pháp và Đức dự kiến sẽ nhóm họp tại thủ đô Paris (Pháp) vào ngày 26/1 để tham gia vòng đàm phán theo định dạng Normandy nhằm tìm cách giải quyết xung đột ở khu vực miền Đông Ukraine.
Cũng trong ngày 24/1, ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã ra tuyên bố chung kêu gọi Nga tham gia đối thoại mang tính xây dựng trong khuôn khổ các cơ chế quốc tế hiện có. Theo tuyên bố, EU đang đẩy nhanh công tác chuẩn bị để đưa ra các biện pháp hạn chế nhằm vào Moskva.
Tuy nhiên, phát biểu tại Brussels, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cùng ngày cho rằng vấn đề lãnh thổ Ukraine và NATO cần được xem xét riêng. Phát biểu trước thềm hội nghị Ngoại trưởng EU, bà Baerbock cho biết các nước châu Âu và Mỹ, với tư cách thành viên NATO, đang cân nhắc các kịch bản khác nhau để ứng phó với cuộc khủng hoảng Ukraine.
Trong một động thái đáng chú ý khác, Chính phủ Australia tối 24/1 đã kêu gọi công dân nước này rời Ukraine ngay lập tức do nguy cơ xung đột vũ trang gia tăng tại đây. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Australia xác nhận Canberra đã nâng cảnh báo đi lại tới Ukraine lên cấp độ 4, đồng nghĩa không được đến.
Ngoài ra, công dân Australia ở lại Ukraine cũng được khuyến cáo nên cân nhắc kỹ kế hoạch an ninh cá nhân, chuẩn bị trú ẩn, đánh giá về an toàn cá nhân, và đăng ký với Bộ Ngoại giao Australia. Cũng theo thông báo của Chính phủ Australia, gia đình các nhà ngoại giao Australia cũng chuẩn bị rời Kiev.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, quyết định của Australia được đưa ra sau khi Mỹ, và tiếp đó là Anh, đã khuyến cáo người dân tránh tới Ukraine, rút một số nhân viên tại đại sứ quán hai nước ở Ukraine cùng thân nhân về nước, cũng như kêu gọi toàn bộ công dân đang ở Ukraine nên cân nhắc rời quốc gia Đông Âu này. Tuy nhiên, Đại sứ quán Mỹ và Anh tại Kiev vẫn hoạt động bình thường.
Trong một phản ứng, tuyên bố ngày 24/1 của Bộ Ngoại giao Ukraine cho rằng phía Mỹ đã hành động quá sớm và quá thận trọng. Người phát ngôn này khẳng định tình hình an ninh tại miền Đông Ukraine không có thay đổi mang tính cực đoan nào thời gian gần đây.
Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh Nga và NATO đang cáo buộc lẫn nhau làm leo thang căng thẳng trong vấn đề Ukraine.
Cuối tuần qua, tờ New York Times đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc điều hàng nghìn quân cũng như tàu chiến và máy bay chiến đấu tới khu vực miền Đông châu Âu và Baltic . Cho đến nay Moskva vẫn liên tục bác bỏ cáo buộc của phương Tây rằng Nga có kế hoạch tấn công Ukraine.