Ngày 23/12 trong phiên họp Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, Ngoại trưởng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nêu rõ các nước thành viên NATO và các đồng minh đã chi phối WADA. Các quyết định của tổ chức này được 15 quốc gia đưa ra, trong đó 11 nước là thành viên NATO, cùng Australia, Nhật Bản, một nước châu Phi và một nước khu vực Mỹ Latinh. Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh có cơ sở để đánh giá quyết định này của WADA đã bị "chính trị hóa" do "tất cả sự nhiệt tình của phong trào đấu tranh chống doping đều nhằm ủng hộ những quốc gia muốn kiềm chế Nga bằng mọi cách và theo mọi hướng có thể".
Ngoại trưởng Nga khẳng định Moskva sẽ giám sát tính trung thực, khách quan của cuộc thảo luận về vấn đề doping tại WADA và sẽ cung cấp thông tin mới liên quan đến hành vi gian lận của cựu Giám đốc Phòng thí nghiệm chống doping Moskva, Grigory Rodchenkov.
Ngày 21/12, Ủy ban Điều tra Nga khẳng định đã thu được bằng chứng cho thấy ông Rodchenkov - người đã trốn sang Mỹ từ năm 2015, và một số đối tượng chưa xác định khác đã can thiệp từ xa vào cơ sở dữ liệu của Phòng Thí nghiệm chống doping Moskva thuộc Cơ quan Phòng chống doping của Nga (RUSADA).
Hôm 9/12, Ủy ban điều hành WADA đã quyết định cấm Nga tham dự các giải thể thao quốc tế trong 4 năm tới sau khi kết luận Moskva giả mạo các kết quả xét nghiệm doping. Theo đó, nước này sẽ không được tham dự Đại hội Thể thao thế giới Olympic Tokyo 2020 tại Nhật Bản, Olympic mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) và vòng chung kết Giải Vô địch bóng đá thế giới (World Cup) 2022 tại Qatar. Các quan chức Nga cũng không được tham dự các sự kiện thể thao lớn. Ngoài ra, nước này còn bị tước quyền đăng cai các giải thể thao quốc tế. Ngay sau kết luận trên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng khẳng định quyết định của WADA mang "động cơ chính trị", đi ngược lại Hiến chương Olympic. Ngoài ra, ngày 19/12, RUSADA cũng đã quyết định kháng cáo phán quyết trên của WADA.