Cụ thể, Mỹ, Liên minh châu Âu, Canada, Anh và Nhật Bản đã công bố kế hoạch trừng phạt nhắm vào các ngân hàng và giới tinh hoa của Moscow, trong khi Đức tạm dừng dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Ba đã công bố các lệnh trừng phạt, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận độc lập cho Donetsk và Lugansk.
"Nói một cách đơn giản, Nga vừa tuyên bố rằng họ đang khắc chế một phần lớn lãnh thổ Ukraine", ông Biden cho biết. "Đây là sự khởi đầu của một cuộc xâm lược từ Nga."
Ông Biden đe dọa sẽ có thêm nhiều biện pháp trừng phạt hơn nữa nếu chính quyền Moscow mở rộng phạm vi hiện diện quân sự của Nga ra ngoài hai vùng lãnh thổ vừa tuyên bố độc lập.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ đang được áp dụng đối với ngân hàng VEB và ngân hàng quân sự của Nga Promsvyazbank, vốn chuyên thực hiện các giao dịch quốc phòng. "Bắt đầu từ thứ Ba, các lệnh trừng phạt sẽ bắt đầu chống lại giới tinh hoa Nga và các thành viên gia đình của họ", ông Biden tuyên bố.
Trong khi đó, Promsvyazbank cho biết các biện pháp trừng phạt sẽ không có tác động đáng kể vì ngân hàng này đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Phía Mỹ cũng tuyên bố sẽ hạn chế giao dịch trên thị trường thứ cấp với khoản nợ có chủ quyền của Nga đối với các trái phiếu phát hành sau ngày 1/3.
Một quốc gia phương Tây khác là Canada cũng đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với các thành viên quốc hội Nga, những người đã bỏ phiếu cho quyết định công nhận hai khu vực ly khai của Ukraine.
Thủ tướng Justin Trudeau cho biết chính phủ của ông sẽ cấm người Canada tham gia tất cả các giao dịch tài chính với hai khu vực ly khai Luhansk và Donetsk hoặc tham gia mua các khoản nợ có chủ quyền của Nga.
Hôm thứ Tư, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, bao gồm cấm phát hành trái phiếu của Nga tại Nhật Bản và đóng băng tài sản của một số công dân Nga.
Thủ tướng Nhật Bản cũng kêu gọi Nga quay trở lại các cuộc đàm phán, đồng thời cho biết ông không nhận thấy tác động đáng kể đối với nguồn cung năng lượng trong ngắn hạn từ tình hình hiện tại và cho biết các lệnh trừng phạt tiếp theo sẽ được xem xét nếu tình hình xấu đi.
Thị trường năng lượng bấn loạn
Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích các biện pháp trừng phạt nhắm vào Moscow là "bất hợp pháp".
“Các đồng nghiệp châu Âu, Mỹ, Anh của chúng tôi sẽ không dừng lại và sẽ không bình tĩnh cho đến khi họ đã sử dụng hết khả năng của mình cho cái gọi là trừng phạt Nga”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói.
Viễn cảnh về sự gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng và lo ngại về nguy cơ chiến tranh đã làm chao đảo thị trường và đẩy giá dầu lên mức cao nhất kể từ năm 2014.
Đức là khách hàng lớn nhất của Nga về khí đốt tự nhiên và quyết định của Thủ tướng Olaf Scholz về việc dừng dự án Nord Stream 2, vốn đã được xây dựng và đang chờ phê duyệt, được nhiều người coi là một trong những biện pháp trừng phạt mạnh nhất mà châu Âu có thể thực hiện.
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba hoan nghênh động thái này.
“Đây là một bước đi đúng đắn về mặt đạo đức, chính trị và thực tế trong hoàn cảnh hiện nay", ông Kuleba cho biết. "Khả năng lãnh đạo thực sự chỉ được chứng minh khi những quyết định khó khăn được đưa ra trong những thời điểm khó khăn. Động thái của Đức chứng minh điều đó."
Điện Kremlin cho biết họ hy vọng việc trì hoãn dự án Nord Stream 2 chỉ là tạm thời. Tổng thống Putin cho biết Nga "hướng tới mục tiêu tiếp tục cung cấp năng lượng không bị gián đoạn" cho thế giới.