“Vấn đề chủ quyền lãnh thổ của bán đảo Crimea đã hoàn tất. Việc trao trả bán đảo Crimea cho Ukraine để đổi lấy Mỹ gỡ bỏ lệnh trừng phạt với Nga là không thể xảy ra”, TASS dẫn lời ông Slutsky trả lời giới phóng viên hôm 13/2.
Cây cầu Crimea bắc qua eo biển Krech nối bán đảo Crimea với lãnh thổ Nga. |
Trước đó, trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) về tình hình Urkaine, phó đại diện của Mỹ tại LHQ Jonathan Cohen cho hay Mỹ có ý định duy trì lệnh trừng phạt với Nga chừng nào chính quyền Ukraine có thể giành lại quyền kiểm soát ở vùng Donbass và bán đảo Crimea.
Tuy nhiên, ông Slutsky nhấn mạnh, "Crimea là vấn đề không thể thương lượng được và không ai lấy nó từ bất cứ ai. Vào năm 2014, người dân Crimea đã tự quyết định trở về với lãnh thổ tổ tiên của họ là Nga. Chúng tôi không thể từ chối họ vào thời điểm đó và giờ cũng sẽ không phản bội họ".
Sau cuộc đảo chính ở thủ đô Kiev vào tháng 2/2014, chính quyền ở thành phố Crimea và Sevastopol quyết định tiến hành trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga. Kết quả sau cuộc bỏ phiếu vào ngày 16/3 cùng năm, 96,7% người dân Crimea và 95,6% người dân Sevastopol đồng thuận với ý kiến sáp nhập Crimea vào Nga.
Tới ngày 18/3/2014, Tổng thống Vladimir Putin ký quyết định sáp nhập Crimea và Sevastopol vào lãnh thổ Liên bang Nga.
Về phần mình, chính quyền Kiev quyết không công nhận việc bán đảo Crimea tách khỏi Ukraine để sáp nhập vào Nga. Trong khi đó, Mỹ cùng các nước phương Tây đồng loạt áp đặt lệnh trừng phạt với Nga sau sự kiện trên.