Các loại vaccine như Sinovac và Sinopharm sử dụng virus bất hoạt để dạy hệ miễn dịch con người tạo ra kháng thể chống SARS-CoV-2.
Sinopharm được nhiều người lựa chọn
Cho đến nay, Singapore đã khuyến cáo rằng những người từ 50 tuổi trở lên nên tiêm bổ sung một mũi mRNA từ vaccine Pfizer-BioNTech hoặc Moderna ít nhất 6 tháng sau khi hoàn thành tiêm 2 liều vaccine để đảm bảo mức độ kháng thể hiệu quả trong thời gian dài.
Ủy ban Chuyên gia về Tiêm chủng COVID-19 Singapore vẫn đang nghiên cứu khả năng tiêm trộn vaccine cho liều tăng cường.
Trả lời The Straits Times, Tiến sĩ Chua Guan Kiat, bác sĩ đa khoa tại Phòng khám và phẫu thuật y tế Chua ở Bukit Batok, cho biết người dân có "nhu cầu khá lớn" đối với Sinovac và Sinopharm, phần lớn trong số đó đến là những người cao tuổi đã được tiêm chủng đầy đủ bằng vaccine mRNA.
Kể từ khi phòng khám của ông bắt đầu cung cấp dịch vụ tiêm Sinovac vào ngày 23/9, bác sĩ Chua cho biết có 20 đến 30 liều vaccine tăng cường được tiêm mỗi ngày. Nhu cầu tiêm có khả năng sẽ tăng đều trong bối cảnh những người trên 50 tuổi cũng được khuyến khích tiêm liều tăng cường.
Ông cho biết nỗi e ngại về các tác dụng phụ tiềm ẩn từ liều thứ 3 của vaccine mRNA là nguyên nhân chính khiến người dân chọn vaccine bất hoạt như Sinovac làm liều tăng cường.
Công nhân xây dựng Gu Jiangang, 42 tuổi, đã tiêm một mũi Sinovac vào ngày 5/10. Anh cho biết mình bị sốt và đau nhức tại chỗ tiêm sau khi tiêm liều thứ 2 bằng vaccine Moderna vào tháng 5, và do đó anh cảm thấy thoải mái hơn khi dùng Sinovac để tiêm tăng cường.
Gu nói thêm rằng công ty của anh yêu cầu tất cả công nhân phải tiêm vaccine COVID-19, vì vậy anh buộc phải tiêm thuốc tiêm Moderna mặc dù biết là có thể bị dị ứng.
Tương tự, một người đàn ông tên Loh, 57 tuổi, làm việc trong lĩnh vực xây dựng, đã quyết định tiêm liều tăng cường Sinopharm mặc dù đã được mời tiêm một mũi Moderna.
Trước đó, Loh đã tiêm hai liều Pfizer và ông nghĩ rằng sẽ có ít tác dụng phụ hơn nếu tiêm trộn bằng một loại vaccine bất hoạt.
Bà Michelle Lim, giám đốc điều hành của Royal Healthcare ở Novena, cho biết phòng khám của bà đã tiêm gần 1.000 mũi tiêm nhắc lại cho đến nay.
Nhu cầu tiếp tục tăng cao
Bà lưu ý rằng một số công ty sản xuất, công ty xây dựng và siêu thị cũng đã sắp xếp với phòng khám để nhân viên của họ được tiêm vaccine bổ sung Sinopharm với hy vọng hạn chế lây nhiễm tại nơi làm việc.
Bà Lim cho biết nhiều người trong số những người đã chọn tiêm Sinopharm cho biết họ đã gặp phải các phản ứng phụ sau khi tiêm 2 liều vaccine mRNA và hy vọng việc tiêm nhắc lại sẽ nhẹ hơn, trong khi những người khác hy vọng vaccine Sinopharm có thể cung cấp phổ kháng thể rộng hơn.
Một lý do khác là Cơ quan Quản lý Thực phẩm Hoa Kỳ không khuyến nghị tiêm mũi tăng cường Pfizer cho những người dưới 65 tuổi, vì có những lo ngại rủi ro cao.
Bác sĩ Leong Hoe Nam, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Phòng khám Rophi, cho biết nhiều bệnh nhân đã tiêm cả 2 liều vaccine Pfizer đã tới yêu cầu tiêm thêm vắc xin Sinopharm.
"Theo ghi nhận, nhiều người từng tiêm 1 liều vaccine bất hoạt sau khi nhận 2 liều mRNA đã có kết quả kháng thể rất tốt.
Kết quả kháng thể tốt nhất vẫn đạt được với liều mRNA thứ 3 là điều không phải bàn cãi nhưng nhiều người không muốn tiếp tục trải qua phản ứng phụ thêm lần nữa".
Một trong những khách hàng của ông, ông Ho, ở độ tuổi 60, gần đây đã nhận được mũi tiêm nhắc lại Sinopharm sau 2 liều vaccine Pfizer.
Khi được hỏi tại sao ông lại chọn dùng Sinopharm thay vì vaccine mRNA, ông Ho cho biết ông cảm thấy vaccine Sinopharm sử dụng công nghệ bất hoạt đã được kiểm nghiệm từ lâu, trong khi kỹ thuật mRNA trước đây vốn được sử dụng để giúp kích thích phản ứng kháng thể ở những bệnh nhân giai đoạn cuối của bệnh ung thư.
Ông Ho cho biết những tác động lâu dài của mRNA vẫn chưa được biết đến. Ngoài ra, ông cho biết đã bị đau dữ dội tại chỗ tiêm sau liều Pfizer thứ 2 nhưng không có bất kì phản ứng phụ nào sau khi tiêm Sinopharm.