Tròn 10 năm kể từ ngày đặt chân đến Đà Nẵng lần đầu vào tháng 11/2006, người phụ nữ Đức Irene Lejeune đã nhiều lần quay trở lại để tiếp tục mang trang thiết bị y tế đến bệnh nhân tim bẩm sinh Việt Nam. Những cuộc đời nơi xa xôi được thoát cảnh bệnh tật là động lực để bà Irene luôn nỗ lực không ngừng trong bước đường trao đi yêu thương.
Xúc cảm trước những nỗi đau của trẻ em nghèo bệnh tim, năm 2003 vợ chồng bà chủ công ty đa quốc gia chuyên kinh doanh thiết bị bán dẫn quyết định bán công ty để đứng ra thành lập Tổ chức Trái tim vì trái tim. Nhiều trẻ em từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, được hỗ trợ toàn bộ chi phí đưa về Đức điều trị.
Gặp gỡ với tiến sĩ Lê Trọng Phi, Trưởng khoa Bệnh bẩm sinh và cấu trúc tại Trung tâm Tim mạch tiểu bang Bremen, Đức vào năm 2006, bà Irene đã quyết định chuyển hướng hoạt động theo đề nghị của bác sĩ Phi. Thay vì đưa các cháu từ Việt Nam sang Đức rất tốn kém, tổ chức này thiết lập chương trình giúp đỡ lâu dài ngay tại chỗ. Vị bác sĩ gốc Việt nặng lòng xứ sở, thường mang dụng cụ y tế về nước phẫu thuật cho bệnh nhân nghèo đã trở thành cầu nối để bà Irene quyết định tặng máy thông tim đầu tiên và máy siêu âm tim cho Bệnh viện Đà Nẵng vào năm 2006.
Khi đó Đà Nẵng tuy chưa thực hiện được can thiệp tim mạch nhưng đã tổ chức những chương trình tầm soát, thống kê rõ ràng. Điều này để lại nhiều ấn tượng với bác sĩ Phi trong quá trình khảo sát chọn lựa. Được trang bị máy móc, cộng thêm với sự hỗ trợ đào tạo của bác sĩ Phi, các bác sĩ Đà Nẵng bắt tay vào việc cứu chữa bệnh nhi tim bẩm sinh. Thấy được hiệu quả ngoài mong đợi, bà Irene đứng ra tổ chức các hoạt động gây quỹ và tiếp tục viện trợ nhiều trang thiết bị tân tiến như các máy thông tim, máy thở, siêu âm tim, máy theo dõi hồi sức... trị giá hơn 50 tỷ đồng.
Máy DSA do Tổ chức Trái tim vì trái tim (Heart For Heart) trao tặng tháng 11/2006 tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh bệnh viện cung cấp. |
Kỷ niệm 10 năm hợp tác điều trị tim bẩm sinh mới đây, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã cảm ơn Tổ chức Trái tim vì trái tim. Bác sĩ Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng đã trao tặng kỷ niệm chương tri ân cho bà Irene. Những thiết bị trao tặng đã góp phần đặt nền móng cho hoạt động can thiệp tim mạch của ngành y tế Đà Nẵng. Suốt thập niên qua, khoa Phẫu thuật và Can thiệp tim mạch Bệnh viện Đà Nẵng khám và điều trị cho hàng chục nghìn bệnh nhân tim mạch, phẫu thuật và can thiệp tim mạch cho gần 3.500 bệnh nhân.
Không chỉ hỗ trợ thiết bị, thông qua người gắn bó từ những ngày đầu là giáo sư Heinrich Netz, Trưởng khoa Tim bẩm sinh Đại học Munich, hiện Đại học Đà Nẵng đã tổ chức chương trình hợp tác đào tạo tại Đức, đưa sinh viên, bác sĩ Việt sang Đức học tập, nghiên cứu.
Từ hoạt động từ thiện khắp năm châu, bà Irene và bạn bè trong mạng lưới thiện nguyện chuyển hẳn dự án hỗ trợ sang Việt Nam và họ không chọn nơi nào khác ngoài Đà Nẵng. “Tôi ấn tượng với thành phố biển này và niềm tin về cách mà đội ngũ y bác sĩ nơi đây duy trì sự giúp đỡ”, bà Irene chia sẻ.
Đà Nẵng, nơi có người cha cụt tay rưng rưng lo lắng bên cạnh đứa con bệnh tim nặng, có người mẹ nghèo òa vỡ hạnh phúc nhìn con hồi phục sau giờ phút phẫu thuật căng thẳng… Rung cảm mãnh liệt từ những mảnh đời thân thương nơi xa xôi, Irene nói rằng cuộc đời đã ưu ái cho bà quá nhiều yêu thương trên dặm dài nối nhịp nghĩa tình.