Người phụ nữ giữ hồn xưa trong ngôi nhà cổ đất Bát Tràng

Ở làng gốm xứ cổ truyền Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) , có ngôi nhà cổ đã hơn 100 tuổi... Đến đây, du khách không chỉ như lạc vào 1 không gian kiến trúc xưa, mà còn được thưởng thức những món ăn...
Người phụ nữ giữ hồn xưa trong ngôi nhà cổ đất Bát Tràng

Bà Nguyễn Thị Lâm, con gái của ông chủ hàng xe Mỹ Hào nổi tiếng một thời, luôn tự hào về ngôi nhà mình và gia đình đang sống. Cách đây hơn 120 năm, ông nội chồng bà đã kén thợ giỏi về xây một tòa biệt thự ở ngay xóm 1 của làng cổ Bát Tràng. Biệt thự xây dựa theo kiểu Pháp nhưng lại được khéo kết hợp với kiến trúc Việt. Phần lớn các nguyên liệu để xây tường. lát nền, lợp mái đều do những người thợ Việt sản xuất ra từ chính những xưởng gốm ở làng gốm cổ truyền Bát Tràng. Nền nhà lát bằng thứ gạch men được nung 7 lửa. Tường gạch xây dầy dặn, vững chắc nhờ lớp vôi, mật và muối thay vì sử dụng xi măng như bây giờ. Mái lợp bằng ngói Bát Tràng, qua cả thế kỷ mà vẫn đỏ bóng, không bị rêu bám hay xô lệch. Trong phòng khách, chạy trên tầng là những hàng xứ tròn mang ý nghĩa tượng trưng cho những giọt nước Phúc- Đức – Tài – Lộc mà tổ tiên truyền lại cho con cháu. Hoa văn trên trần cũng được kẻ vẽ, sơn màu cầu kỳ.

Người phụ nữ giữ hồn xưa trong ngôi nhà cổ đất Bát Tràng ảnh 1

Các du khách đến thăm nhà cổ

Đã 3 thế hệ gia đình bà Lâm sống trong ngôi biệt thự cổ. Trải qua 120 năm ngôi nhà cổ vẫn vững chắc kiên cố. Những khung cửa sổ, cửa ra vào bằng gỗ vẫn còn đỏ; Nền nhà sáng bóng, không một vết nứt vỡ; Trên trần nhà, những họa tiết được kẻ vẽ vẫn lên màu tươi mới như ngày mới xây.

Ban đầu, khách biết đến gia đình bà Lâm là nhờ căn nhà cổ. Nhưng sau đó, họ còn ngạc nhiên hơn khi biết bà Lâm, không đơn giản chỉ là người con dâu sống trong nhà cổ mà còn đang giữ gìn hồn xưa nét cũ của dân tộc bằng tài nấu những món ăn chuẩn vị Việt. Tiếng lành đồn xa, từ đó du khách khắp nơi đến với Bát Tràng, thể nào cũng ghé thăm nhà cổ và đề nghị bà nấu cho những món ăn rất quen thuộc như canh bóng, canh măng mực khô, chim hầm cốm hạt sen, nộm bò khô, nem rán – thịt nướng. Nếu để điểm tâm buổi sáng hoặc ăn bữa phụ khách thường chọn xôi vò – chè đường hay chè kho. Dịp lễ tết, khách không thể bỏ qua món bánh chưng, giò thủ. Đơn cử như bánh chưng, đừng nghĩ Tết thì nơi nào chả có loại bánh chưng này. Chiếc bánh do bà gói bóc ra luôn xanh mươn mướt, dền dẻo và vị thơm rất lạ. Năm vừa qua, phóng viên truyền hình cũng phải về nhà bà quay phim suốt cả một ngày để ghi các công đoạn bà gói bánh, luộc bánh…

Điều người ta trân trọng chính là cách bà rất cẩn thận, nếu không muốn nói khó tính để giữ hồn từng món ăn Việt cổ. Mỗi khi có khách đặt ăn, bà lại dậy sớm, đi chợ quê, tự tay lựa chọn nguyên liệu tươi ngon nhất. Gà phải là loại gà ri, chân nhỏ, chỉ “cân mốt, cân hai”. Thịt lợn phải vừa mổ, còn nóng hôi hổi. Rau củ lúc nào cũng tươi non.

Sức khỏe có hạn lại không muốn nấu kiểu xô bồ nên mỗi tuần, bà Lâm chỉ nhận đón vài đoàn đến thăm nhà và dồn hết tâm huyết để nấu ăn như thể nấu cho chính gia đình mình. Nguyên tắc của bà Lâm là ít dùng mì chính để tạo độ ngọt giả tạo. Thay vào đó bà dùng chính củ quả để tạo độ ngọt tự nhiên, thanh mát mà lại tốt cho sức khỏe thực khách. Bà tỉ mỉ lấy nước dùng gà, hớt lấy phần nước mỡ bên trên để nấu món canh măng, khi đó sợi măng quện với mỡ gà sẽ rất hợp. Phần nước dưới bà dùng để nấu canh bóng vì với loại canh này nước dùng phải thật trong, nếu đục lờ lờ là hỏng.

Bát bóng của bà có đủ 5 màu tự nhiên của nguyên liệu: cà rốt đỏ - thăn gà xé và củ đậu trắng – đậu Hà Lan xanh – trứng gà trắng vàng – tôm khô hồng. Điểm xuyết trên cùng là những cọng hành lá và rau mùi. Món bún thang cũng rất đẹp mắt, trứng tráng mỏng tang, giò thái sợi mảnh, tôm hồng tươi và được chan nước dùng đúng vị, dậy mùi mắm tôm thì khách nào chẳng thích thú.

Tương tự như vậy, để có được một bát xôi vò chè đường đúng kiểu để khách tráng miệng sau bữa, khi hoa bưởi vào mùa, bà đã phải lựa những búp hoa mới nở he hé, tươi nguyên bứt lấy cánh hoa trắng ngần, trộn vào bột sắn, bột đao, ủ 2 ngày. Đợi khi bột hút hết hương hoa bưởi thì phơi khô, cất vào lọ dùng dần. Chè kho cũng do tự tay bà quấy và canh chừng. Bà bảo chè kho trông vậy thôi chứ nấu ngon rất khó, chỉ cần một chút lơ là là chè khê hay không đạt độ “mướt, mịn”.

Bà Lâm có một bí quyết là dùng nước mưa trong chế biến món ăn. Phía dưới sân nhà bà là một bể nước ngầm lớn, chuyên để đựng nước mưa hứng từ mái ngói, sau đó nước tự lắng lại qua thời gian. Bà dùng nước mưa này để trần măng giúp măng có màu trắng ngà, luộc bánh chưng trong nồi gang để bánh có màu xanh mướt và mềm, dẻo.

Trong bữa cơm chuẩn Việt, bà không mời khách rượu Tây mà thay bằng rượu Bách Nhật (Trăm ngày) do chính người Bát Tràng nấu; ăn xong khách còn được thưởng thức chén nước… hạt chè rất đặc biệt. Ngoài sân nhà bà có cây hoa sói, nếu muốn khách cứ ngắt lấy vài bông, thả vào ấm chè để thêm vị hương thơm ngát tự nhiên khó tả. Ngồi trong nhà cổ mát rượi, ngắm khoảng sân xanh màu cây và bày biện những lọ, bình, tranh gốm… khách sẽ như lạc vào không gian lạ rất thư thái.

Gần 10 năm qua, trong số các vị khách ghé thăm nhà, bà Lâm còn nhớ có NSND Trà Giang, ĐBQH Dương Trung Quốc, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, ca sĩ Trọng Tấn, Đăng Dương… Cụ Giáo sư trăm tuổi Vũ Khiêu khi đến thăm cũng vì quý mếm nỗ lực giữ hồn dân tộc Việt của gia đình đã trải giấy viết tặng đôi câu đối mang tên từng thành viên trong gia đình bà.

Nam Khánh

Quang cảnh buổi hội thảo.
Đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới
(Ngày Nay) - Ngày 19/12, Hội thảo “Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới” đã được tổ chức tại Hà Nội. Đây là một trong chuỗi hoạt động của đợt cao điểm tuyên truyền thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Nhân quyền thế giới (10/12/1948-10/12/2024).
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.