Hiện giới học giả thế giới đang ngả theo hai giả thuyết: một là virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ động vật hoang dã được buôn bán tại chợ Hoa Nam (Vũ Hán) trước khi lây sang người; hai là mầm bệnh đã bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm tại Vũ Hán.
Giả thuyết phòng thí nghiệm ngày càng được nhiều người nhìn nhận một cách nghiêm túc, đặc biệt là khi Tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu giới tình báo điều tra giả thuyết này.
Vào ngày 31/1, đoàn chuyên gia của WHO đã đến khảo sát chợ Hoa Nam. Tuy nhiên, họ chỉ được tiếp cận hai tiểu thương, những người hoàn toàn không buôn bán động vật hoang dã.
Theo giáo sư Eddie Holmes, một chuyên gia về tiến hóa và các bệnh truyền nhiễm, người đã nhìn thấy động vật hoang dã sống được buôn bán tại chợ Hoa Nam vào năm 2014, cho biết: “Vì động vật hoang dã có nguy cơ lớn nhất, nên khu chợ phải là ưu tiên của nhóm chuyên gia".
“Tuy nhiên, tôi không chắc ai đã kiểm soát lịch trình của họ”, giáo sư Holmes nói. “Ít nhất thì các tiểu thương này nên được xếp vào diện cần phỏng vấn trong các cuộc điều tra sau này".
Các chuyên gia WHO tới thăm khu chợ Hoa Nam. Ảnh: AFP |
Chợ Hoa Nam thuộc sở hữu của bà Yu Tian, con gái của ông trùm bất động sản Yu Zhusheng tại Vũ Hán. Gia đình ông Yu có khoảng 60 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký rơi vào khoảng 500 triệu USD.
Truyền thông Trung Quốc vào thời điểm đại dịch bắt đầu bùng phát cho biết hoạt động buôn bán động vật hoang dã vẫn đang diễn ra.
Một báo cáo của WHO từ tháng 11 năm ngoái cũng cho biết tính đến cuối tháng 12 năm 2019, 10 tiểu thương đã buôn bán động vật hoang dã sống bao gồm sóc chuột, cáo, gấu trúc, lợn rừng, kỳ nhông khổng lồ, nhím và hươu sao. Các động vật hoang dã được nuôi khác được buôn bán tại chợ bao gồm rắn, ếch, chim cút, chuột tre, thỏ, cá sấu và lửng.
Tuy nhiên, không có động vật có vú sống nào được phát hiện trong khu chợ khi các thanh tra từ Cục Lâm nghiệp, kiểm lâm, CDC Vũ Hán tới kiểm tra vào ngày 31/12, trước khi đóng cửa vào ngày 1/1 năm 2020.
Các báo cáo ban đầu của truyền thông Trung Quốc chỉ ra rằng 10 chủ sạp hàng tại chợ Hoa Nam đã được cơ quan giám sát thị trường Vũ Hán cấp giấy phép buôn bán động vật hoang dã sống.
Peter Li, một chuyên gia về quyền động vật thuộc nhóm Humane Society International, cho biết động vật có vú hoang dã vẫn được buôn bán cho tới ít nhất là tháng 11 năm 2019.
“Khi dịch bệnh lần đầu bùng phát, mọi người vẫn còn thấy các biển hiệu quảng cáo động vật hoang dã, rồi sau đó họ loại bỏ những biển quảng cáo đó”, Peter Li nói. "Nếu đúng như quảng cáo, ở đó phải có động vật hoang dã".