Kể từ khi lật đổ chính phủ do phương Tây hậu thuẫn vào tháng 8/2021, chính quyền Taliban thắt chặt kiểm soát đối với phụ nữ, bao gồm việc cấm nữ giới học đại học và đóng cửa các trường trung học dành cho nữ sinh.
Tháng trước, Taliban bắt đầu thực thi lệnh cấm phụ nữ Afghanistan làm việc cho Liên Hợp Quốc, sau khi yêu cầu hầu hết phụ nữ ngừng làm việc cho các nhóm viện trợ kể từ tháng 12 năm ngoái.
Taliban nói rằng họ tôn trọng quyền của phụ nữ theo những quy định nghiêm ngặt của luật Hồi giáo. Các quan chức Taliban cho biết các quyết định về nữ nhân viên cứu trợ là “vấn đề nội bộ”.
Samantha Power, quản lý của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), chia sẻ với báo chí: “Chúng tôi không đồng tình với những quy định này bởi vì nó vừa đáng trách về mặt đạo đức, vừa vô lý”.
Bà nhận định 2023 là sẽ một năm khó khăn đối với người dân Afghanistan. Trong khi vào năm 2022, USAID có nhiều ngân sách hơn để ứng phó với những tác động từ cuộc xung đột giữa của Nga và Ukraine, mà Liên Hợp Quốc cho rằng đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Liên Hợp Quốc sẽ không rủ khỏi Afghanistan và tiếp tục nỗ lực giúp đỡ hàng triệu người đang gặp khó khăn theo cam kết của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Tuy nhiên ông Guterres cho biết các nguồn tài trợ đang dần cạn kiệt. Liên Hợp Quốc mới nhận được chưa đến 7% khoản kêu gọi 4,6 tỷ đô la dự kiến trong năm 2023.
Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất vào năm 2022, với gần 1,2 tỷ USD. Năm nay, Mỹ vẫn là nhà tài trợ lớn nhất nhưng chỉ với 75 triệu đô la.
Theo Samantha Power, Mỹ đang đưa ra một số quyết định khó khăn trong năm nay về viện trợ nhân đạo toàn cầu. Bà cho biết các quỹ của Mỹ đang căng ra bởi các cuộc khủng hoảng bất ngờ như trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria hay tình hình căng thẳng ở Sudan.
Bên cạnh đó bà cho rằng các nước vùng Vịnh sẽ là một nhóm đối tác tiềm năng trong việc kêu gọi viện trợ.
Về phía Anh, nước này cắt giảm ngân sách viện trợ quốc tế trong năm nay vì cần chi nhiều hơn trong nước để giúp đỡ người tị nạn, đặc biệt từ Ukraine và Afghanistan. Quốc gia này từng cam kết viện trợ gần 180 triệu đô la cho Afghanistan và Pakistan từ giờ cho đến ngày 5/4/2024.
Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, Anh đã tài trợ hơn 450 triệu đô la cho lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc vào năm ngoái, khiến nước này trở thành nhà tài trợ lớn thứ hai sau Mỹ. Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc Barbara Woodward công nhận nhu cầu nhân đạo to lớn ở Afghanistan.
"Chúng tôi đang cố gắng đáp ứng nhu cầu đó, làm việc với các đối tác, đồng thời đảm bảo rằng chúng tôi không đưa ra bất cứ điều gì khiến Taliban có lý do để nghĩ rằng họ có thể áp đặt những quy định thời trung cổ", bà Barbara Woodward chia sẻ với báo chí.
Năm ngoái, Thụy Sĩ là một trong những nhà tài trợ hàng đầu của phương Tây, với khoảng 35 triệu đô la. Đại sứ Thụy Sĩ tại Liên Hợp Quốc Pascale Baeriswyl mô tả tình hình ở Afghanistan là một "tình thế khó xử".
"Nếu dừng viện trợ, mọi người sẽ chết", Baeriswyl nói. "Nhưng đồng thời không thể thực hiện các dự án viện trợ nếu phụ nữ không thể tham gia làm việc. Hiện chúng tôi chưa có giải pháp cho việc này."