Nguy cơ nội chiến nổ ra tại Afghanistan

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Sau khi Mỹ rút toàn bộ lực lượng quân đội về nước, Taliban đã tấn công và hiện đang kiểm soát 3 thủ phủ của các tỉnh tại khu vực phía nam Afghanistan. Động thái trên làm dấy lên quan ngại về nguy cơ nội chiến tái diễn tại quốc gia Tây Á này trong bối cảnh bạo lực ngày càng leo thang.
Các tay súng Taliban tại huyện Alingar, tỉnh Laghman, Afghanistan. Ảnh: NY Times
Các tay súng Taliban tại huyện Alingar, tỉnh Laghman, Afghanistan. Ảnh: NY Times

Hôm Thứ Ba, một vụ đánh bom tại phiên chợ gần "Khu vực xanh" ở thủ đô Kabul đã làm ít nhất 3 người thiệt mạng và 7 người khác bị thương. Phát ngôn viên của chính phủ sau đó đã thông tin với báo giới rằng những điều tra ban đầu cho thấy cuộc tấn công nhằm vào một quan chức cấp cao của Afghanistan.

Vụ nổ xảy ra ngay sau cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. Theo thông cáo từ Bộ Ngoại giao Mỹ, hai nước đều đồng thuận cho rằng việc đẩy nhanh các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban, vốn đang bị đình trệ, là điều cần thiết tại thời điểm này, đồng thời, hai bên cũng lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công của quân nổi dậy nhằm vào các khu vực dân cư.

Cuộc điện đàm được thiết lập sau khi Tổng thống Ghani lên tiếng chỉ trích “sự rút lui vội vàng” của quân đội Mỹ, khiến cho lực lượng Taliban được hưởng lợi và trỗi dậy mạnh mẽ trong thời gian qua.

Giới quan sát Mỹ sau khi đánh giá về vụ ném bom tại thủ đô Kabul đã đưa ra những lời cảnh báo về viễn cảnh của một cuộc nội chiến tại Afghanistan.

Trong một cuộc họp báo mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã tuyên bố rằng: “Nếu Taliban rút khỏi các cuộc đàm phán hòa bình, lực lượng này sẽ bị cộng đồng quốc tế bài xích. Và mối quan ngại của tất cả chúng ta, điều đáng phải lo lắng nhất là hậu quả đằng sau đó, một cuộc nội chiến".

Tuy nhiên, trên thực tế, việc chiếm đóng và kiểm soát được nhiều khu vực trọng yếu tại Afghanistan lại giúp cho Taliban ở một vị trí có lợi hơn trong các cuộc đàm phán hiện vẫn đang bị đình trệ.

"Tại thời điểm này, Taliban đang yêu cầu được chia sẻ quyền lực trong chính phủ kế nhiệm, nhằm kiểm soát tình hình quân sự tại nước này", Zalmay Khalilzad, đặc phái viên Mỹ về vấn đề hòa giải tại Afghanistan, cho biết tại Diễn đàn An ninh Aspen hôm thứ Ba vừa qua.

Kể từ khi Mỹ tiến hành đưa lực lượng quân đội về nước cho đến thời điểm mới đây, khi Lầu Năm Góc công bố rằng tiến trình rút quân của nước này đã hoàn thành 95%, cả hai chính quyền Kabul và Washington đều bày tỏ quan điểm rằng tình hình chiến sự tại Afghanistan đã xấu đi nhiều.

Theo Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, lực lượng Taliban đã có bước "đột phá chiến lược" khi kiểm soát khoảng một nửa trong số 400 khu vực trên toàn lãnh thổ Afghanistan.

Hiện nay, quân nổi dậy đã chiếm được các cửa khẩu quốc tế giáp với Pakistan, Iran và Tajikistan. Nhưng điều đáng lo ngại hơn cả là Taliban cũng đã lên kế hoạch sẵn sàng đánh chiếm 3 thành phố lớn ở vành đai phía nam, bao gồm: thành phố Kandahar ở phía đông nam – nơi từng là thủ đô thời trung cổ của Afghanistan, điểm tựa tinh thần của người Pashtun và nơi khởi phát của lực lượng Taliban; thủ phủ Lashkar Gah của tỉnh Helmand ở phía nam; thành phố Herat, giáp ranh với Iran.

Hãng tin AP cho biết hiện Taliban đã chiếm được 9/10 quận của thành phố Lashkar Gah, và lực lượng quân đội chính phủ Afghanistan đang phải khẩn trương sơ tán 200.000 cư dân sinh sống tại thành phố đến những khu vực an toàn.

Các cuộc giao tranh diễn ra vô cùng ác liệt. Quân đội Afghanistan tại các vùng chiến sự thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của lực lượng không quân Mỹ, cũng như của các lực lượng biệt kích đặc nhiệm chi viện từ Kabul. Đến nay, vẫn chưa có thông tin chính xác rằng chiến dịch không kích của Mỹ được triển khai bởi những binh lính vẫn đang ở lại Afghanistan hay từ các cơ sở hải quân của nước này ở vùng Biển Ả Rập.

Các hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội từ người dân cho thấy Taliban đã xâm nhập, chiếm đóng đa số khu vực trong thành phố Lashkar Gah bao gồm cả khu dân cư. Trong khi đó, các đài truyền hình, đài phát thanh của thành phố hiện đang bị quân nổi dậy kiểm soát.

Nếu Lashkar Gah rơi vào tay Taliban và hoàn toàn bị kiểm soát, đây sẽ là thủ phủ đầu tiên của một tỉnh tại Afghanistan bị lực lượng này chiếm được trong vòng 20 năm qua.

Tại hai thành phố còn lại, hiện đang bị Taliban tấn công, các lực lượng Afghanistan cũng được phía Mỹ hỗ trợ bằng các cuộc không kích.

Thành phố Herat dường như đứng trước nguy cơ thất thủ hồi cuối tuần qua, nhưng đến nay, quân đội Afghanistan đã đẩy lùi được lượng lực Taliban và tiến hành mở cửa trở lại sân bay tại địa phương. Tuy nhiên, Kandahar hiện vẫn đang bị bao vây, lực lượng Taliban đã tìm cách tấn công, buộc sân bay địa phương phải đóng cửa.

Động thái này nhằm chiếm được một phần nơi mà các nhà nhân khẩu học gọi là "Vùng trăng lưỡi liềm Pashtun" – khu vực chạy giữa Pakistan và Afghanistan, mặt khác, nó cũng cho thấy rằng giờ đây, Taliban đã thay đổi chiến lược của mình.

“Ở giai đoạn này của cuộc xung đột, những người đứng đầu lực lượng Taliban có thể đã nghĩ đến việc thành lập một nhà nước sơ khai với một hoặc nhiều thủ phủ cấp tỉnh ở khu vực này của Afghanistan, từ đó thu được nguồn lợi cả về mặt chính trị lẫn vật chất”, Asfandyar Mir, chuyên gia nghiên cứu chống khủng bố tại Trung tâm An ninh và Hợp tác Quốc tế thuộc Đại học Stanford, nhận định.

Trong giai đoạn đầu của tiến trình rút quân, được Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố hồi tháng 4, Taliban mới chỉ chiếm được các quận ở vùng hẻo lánh, bởi ở những khu vực này, các lực lượng của Afghanistan thường bị quân nổi dậy áp đảo, buộc phải đầu hàng.

Nhưng khi các cuộc đàm phán hòa bình với chính phủ của Tổng thống Ghani không thành công, những lời kêu gọi ngừng bắn bị cả hai bên phớt lờ, Taliban đã phát động những cuộc tấn công nhằm vào các trung tâm đô thị lớn.

“Ban đầu, có vẻ như Taliban chỉ muốn gây áp lực lên thủ phủ của các tỉnh, nhưng giờ đây, dường như đã có sự thay đổi trong chiến lược của lực lượng này khi cố tìm cách kiểm soát những thành phố đó”, ông Mir chỉ ra sự khác biệt trong chiến lược của Taliban.

Nếu xét về yếu tố chính trị và về mặt địa lý, những thành phố này có vai trò vô cùng quan trọng đối với cả chính phủ Afghanistan và Taliban.

Theo lập trường của chính phủ Afghanistan, Kandahar và Herat là một trong những thành phố lớn, chỉ xếp sau Kabul, và là biểu tượng cho quyền lực chính trị của nhà nước ở khu vực phía nam và phía tây.

Còn đối với Taliban, Kandahar và Lashkar Gah là "những viên ngọc quý", phù hợp để thiết lập các căn cứ quân sự trong cuộc nổi dậy, và là những vùng được giới lãnh đạo chính trị Pashtun ở phía nam coi là những khu vực trọng yếu.

"Những khu vực này còn là điểm nóng của hoạt động buôn bán ma túy với quy mô lớn, chính vì vậy mà Taliban muốn đánh thuế và tạo ra nguồn thu từ đó", chuyên gia Mir cho biết.

Theo Nikkei Asia
Bộ sách Lịch sử quân sự Việt Nam. Ảnh: baochinhphu.vn
Xuất bản bộ sách 14 tập về lịch sử quân sự Việt Nam
(Ngày Nay) - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa tổ chức xuất bản lần thứ ba bộ sách Lịch sử quân sự Việt Nam của Viện Lịch sử quân sự nhằm tiếp tục truyền bá tri thức lịch sử quân sự dân tộc tới các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế. Đây là một trong những hoạt động hướng tới các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2024.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp chiều 5/11/2024. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Chống lãng phí, khai thác hiệu quả tài sản công
(Ngày Nay) - Các đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thu - chi ngân sách nhà nước, cơ cấu ngân sách theo hướng bền vững, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lãng phí.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.