Trẻ em Việt Nam, đặc biệt các bé gái, đang rơi vào tình trạng dậy thì sớm. Thậm chí, nhiều cháu mới 6-7 tuổi đã bắt đầu có kinh nguyệt. Điều này khiến các bậc phụ huynh lo lắng, e ngại.
Để đối phó với tình trạng này, nhiều bố mẹ truyền tai nhau cách tiêm hormone kìm hãm dậy thì sớm cho con.
Tại phòng khám Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền (Bệnh viện Nhi Trung ương), chị Nguyễn Thị Liên (Hà Nam) cho biết đang đưa con gái là Trương Ánh Thảo (9 tuổi) tới khám định kỳ.
Theo chị Liên, con gái chị phát hiện dậy thì sớm và điều trị từ khi hơn 8 tuổi, đến nay đã được gần một năm.
Khi đó, chị phát hiện ngực con gái phát triển to bất thường, rất giống trẻ dậy thì. Đưa con đi khám, chị được các bác sĩ chỉ định cần theo dõi thêm vì lúc đó cháu chưa xuất hiện kinh nguyệt. Một thời gian sau, chị phát hiện con có chất nhầy ra ở âm đạo nên đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám.
Tại đây, chị được các bác sĩ tư vấn nên tiêm hormone ức chế dậy thì cho con gái. Hiện cứ 4 tuần một lần, chị Liên đưa con đến bệnh viện để tiêm hormone, dự kiến quy trình điều trị sẽ kéo dài 2 năm liên tục.
Khi nào nên tiêm hormone kìm hãm dậy thì sớm?
TS.BS Bùi Phương Thảo - Phó khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho hay việc các phụ huynh lo lắng về việc con dậy thì sớm là hoàn toàn chính đáng. Theo đó, việc dùng hormone ức chế dậy thì sớm là một cách để đối phó.
“Đối với những trẻ dưới 6 tuổi đã dậy thì, cần phải tiêm hormone để ức chế. Còn những trường hợp 6-8 tuổi, hoặc trên 8 tuổi, tùy vào từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ có chỉ định rõ ràng. Lưu ý, việc tiêm hormone nhất thiết phải theo sự chỉ định, cũng như theo dõi chặt trẽ của các bác sĩ chuyên khoa”, TS Thảo khuyến cáo.
Theo TS Thảo, những trường hợp dưới 6 tuổi bị dậy thì sớm, khi tiêm hormone sẽ giúp ức chế phát triển các đặc tính sinh dục phụ như sự phát triển của tuyến vú, lông mu… Điều này giúp trẻ tập trung vào việc học và tránh bị xâm hại tình dục.
Về lâu dài, việc tiêm hormone sẽ giúp trẻ phát triển chiều cao sau này. Chuyên gia lý giải khi bị dậy thì sớm, xương của trẻ sẽ bị ảnh hưởng, phát triển trước tuổi tuổi thực. Chẳng hạn, một cháu bé dậy thì trước 6 tuổi, nếu không điều trị bằng cách tiêm hormone, sau này, đứa trẻ này chỉ cao 1,5 m. Nhưng nếu điều trị, cháu có thể cao thêm khoảng 10 cm.
Đối với những trường hợp 6-8 tuổi, hoặc trên 8 tuổi, nếu điều trị, các bác sĩ chỉ có thể giúp giải quyết được những vấn đề ngắn hạn (kìm hãm sự phát triển của bộ phận sinh dục phụ), về mặt cải thiện chiều cao gần như không còn tác dụng.
“Đối với những cháu này, chúng tôi sẽ dựa trên từng trường hợp cụ thể, để tư vấn cho gia đình những cái được, mất khi tiêm hormone. Từ đó gia đình sẽ đưa ra quyết định cuối cùng”, TS Thảo cho biết.
Không tùy tiện tiêm hormone cho trẻ
Tuy nhiên, hiện nhiều bố mẹ lo lắng đến mức tự ý mua thuốc về tiêm để ức chế sự phát triển của con. Chuyên gia khuyến cáo đó là sự liều lĩnh có thể gây nguy hiểm cho con.
Tại bệnh viện, nhiều trường hợp, dù các bác sĩ đã hướng dẫn và tư vấn không cần thiết phải tiêm hormone, nhưng cha mẹ vẫn ra ngoài tự ý tiêm với hy vọng con sẽ phát triển chiều cao.
Bác sĩ Thảo vẫn nhớ trường hợp của một bệnh nhi, khi phụ huynh phát hiện những biểu hiện của cháu như ngực nở đã rất lo lắng. Sau khi kiểm tra, các bác sĩ kết luận bé không có gì bất thường về tuổi xương, tử cung và buồng trứng đồng thời chưa có lông mu, kinh nguyệt.
Vì vậy, các bác sĩ khuyên phụ huynh nên theo dõi con và không phải trường hợp nào được xác định dậy thì sớm cũng tiêm hormone.
“Việc tiêm hormone cho trẻ, chắc chắn có những ảnh hưởng nhất định, điển hình nhất là sự thay đổi nội tiết, thứ hai là trẻ phải chịu những cơn đau, tiếp đến là sẽ lão hóa sớm về sau, ngoài ra, còn là vấn đề thời gian, kinh phí khi điều trị. Bởi vậy, trước khi áp dụng điều trị cho trẻ các bác sĩ, cùng với gia đình cần phải bàn bạc kỹ lưỡng", bác sĩ Thảo cho biết.
* Tên nhân vật đã được thay đổi