Tuần trước, Bidari đã tuyên thệ gia nhập Lực lượng Dự bị Quân đội Mỹ, sau khi được một nhà tuyển dụng gốc Nepal tại thành phố Dallas (bang Texas) chào mời thông qua một nhóm trực tuyến.
Bidari, người sẽ tham gia khóa huấn luyện cơ bản vào tháng 8, chỉ là trường hợp mới nhất trong số ngày càng nhiều người di cư hợp pháp gia nhập quân đội Mỹ khi lực lượng này ráo riết tìm kiếm tân binh với lời hứa cung cấp quyền công dân nhanh chóng.
Nhằm khắc phục tình trạng thiếu nguồn nhân lực, lực lượng Lục quân và Không quân Mỹ đã tăng cường các hoạt động quảng cáo để lôi kéo người nhập ngũ, từ phát tờ rơi, cho đến đăng bài trên mạng xã hội. Một yếu tố quan trọng là tìm đến những nhà tuyển dụng có gốc gác dân nhập cư.
“Nghe kể về quân đội Mỹ từ những người dân địa phương là một chuyện, nhưng nghe từ những người có cùng gốc gác lại là chuyện khác", Bidari cho biết. “Một sĩ quan gốc Nepal đã liên hệ với tôi để tuyển mộ cho quân đội Mỹ".
Người nhập cư hợp pháp đang là một nguồn tuyển quân đều đặn cho quân đội Mỹ, đặc biệt là những người đang tìm kiếm việc làm, phúc lợi và đặc biệt là tư cách công dân. Nhưng việc tuyển dụng vẫn tuân thủ các quy định an ninh và đặc biệt là hỗ trợ người nhập học tiếng Anh để giao tiếp trong lực lượng.
Cả Lục quân và Không quân Mỹ đều cho biết sẽ không đạt được mục tiêu tuyển dụng trong năm nay, trong khi Hải quân cũng dự kiến sẽ giảm số lượng tân binh. Dù nguồn dân nhập cư hợp pháp không cung cấp số lượng lớn, nhưng có còn hơn không.
Sự thiếu hụt tân binh đã dẫn đến một loạt các chương trình tuyển dụng mới, chiến dịch quảng cáo và các biện pháp khuyến khích khác để giúp quân đội cạnh tranh được với các ngành nghề thông thường, được trả lương cao hơn, ít rủi ro hơn.
Giới tướng lĩnh Mỹ cho biết những người trẻ tuổi hiện nay ít quan tâm tới quân đội hơn và thường bị thu hút bởi các công việc dân sự. Ngoài ra, chỉ có hơn 20% ứng viên đáp ứng các yêu cầu về thể chất, tinh thần và tính cách để gia nhập lực lượng.
“Chúng tôi có một lượng lớn cư dân hợp pháp của Mỹ đặc biệt yêu nước, họ đặc biệt biết ơn những cơ hội mà đất nước này đã mang lại", Thiếu tướng Không quân Ed Thomas, người đứng đầu bộ phận tuyển dụng của lực lượng này cho biết.
Những thách thức lớn nhất là xác định các nhóm địa lý của dân nhập cư, tìm cách tiếp cận họ và giúp bất kỳ ai quan tâm điều hướng các ứng dụng và thủ tục tuyển dụng quân sự phức tạp.
Tháng 10 năm ngoái, quân đội Mỹ đã thiết lập lại một chương trình dành cho những thường trú nhân hợp pháp nộp đơn xin nhập tịch cấp tốc sau khi họ được huấn luyện cơ bản. Các nhà tuyển dụng bắt đầu tìm tới mạng xã hội, sử dụng các video ngắn bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau để tìm kiếm các tân binh tiềm năng.
Nỗ lực tuyển dụng của Không quân Mỹ đã bắt đầu trong năm nay và nhóm 14 người đầu tiên đã tốt nghiệp khóa huấn luyện cơ bản và tuyên thệ nhậm chức công dân mới vào tháng 4. Các tân binh đến từ Cameroon, Jamaica, Kenya, Philippines, Nga và Nam Phi. Tính đến giữa tháng 5, có khoảng 100 người được đào tạo cơ bản đã bắt đầu quá trình nhập tịch và khoảng 40 người đã hoàn thành quá trình này.
Thiếu tướng Ed Thomas cho biết chương trình yêu cầu thay đổi chính sách của Lực lượng Không quân, phối hợp với Sở Di trú và Nhập tịch cùng quy trình sàng lọc cẩn thận để đảm bảo không phát sinh rủi ro an ninh.
Theo chương trình mới, những người được tuyển dụng sẽ nhanh chóng được đăng ký vào hệ thống công dân và khi họ bắt đầu được đào tạo cơ bản, một quy trình cấp tốc sẽ bắt đầu, bao gồm tất cả các thủ tục giấy tờ và bài kiểm tra bắt buộc. Vào thời điểm các tân binh của Lực lượng Không quân kết thúc 7 tuần huấn luyện, quá trình này đã hoàn tất và họ tuyên thệ nhậm chức với tư cách là công dân Mỹ.
Đối với Bidari, người đến Mỹ vào năm 2016 để theo học đại học, việc nhanh chóng trở thành công dân rất quan trọng vì nó sẽ giúp cô đi du lịch và đưa cha mẹ đến thăm Mỹ dễ dàng hơn. Bidari cho biết mình đã nhập ngũ trong 6 năm và hy vọng rằng quyền công dân trong tương lai sẽ giúp cô trở thành một sĩ quan.
Theo số liệu của quân đội Mỹ, đã có gần 2.900 người nhập ngũ trong nửa đầu năm ngân sách này, so với khoảng 2.200 trong cùng kỳ năm trước. Số lượng lớn nhất là từ Jamaica, tiếp theo là Mexico, Philippines và Haiti, nhưng cũng có nhiều người đến từ Nepal, Nigeria, Ghana, Cameroon, Colombia và Cộng hòa Dominica.