Ở Nhật Bản, mọi người được gọi bằng họ trước và tên sau, cũng như thông lệ ở các nước đồng văn là Trung Quốc và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, trong hơn một thế kỷ rưỡi, danh xưng của người Nhật Bản đã bị đảo lộn khi được dịch sang các thứ tiếng khác. Việc này trở nên phổ biến trong thời kỳ Minh Trị (giữa thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20), thời kỳ Nhật Bản trở thành một quốc gia công nghiệp hóa hiện đại với những thành tựu khoa học, công nghệ và chính trị.
Tuy nhiên, thực tế này có thể sớm thay đổi, khi Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono (hoặc đúng hơn là Kono Taro) cho biết hôm thứ Ba rằng ông dự định yêu cầu các phương tiện truyền thông quốc tế viết tên theo đúng thứ tự họ trước tên sau của người dân Nhật Bản.
"Tôi có kế hoạch yêu cầu các tổ chức truyền thông quốc tế làm điều này. Các tổ chức trong nước có ấn bản tiếng Anh cũng nên tuân thủ", Ngoại trưởng Nhật Bản cho biết.
Ông Taro Kono cũng đề cập đến một báo cáo được viết bởi gần 20 năm trước bởi Hội đồng Ngôn ngữ Quốc gia Nhật Bản khuyên rằng tên tiếng Nhật phải được viết bằng họ trước và tên riêng sau. Một cuộc thăm dò vào năm 2000 của Cơ quan Văn hóa Nhật Bản cho thấy, vào thời điểm đó, 34,9% người dân Nhật Bản thích được nhắc tới họ trước, 30,6% thích tên được đặt lên trước và 29,6% không có ý kiến.
Trong một cuộc họp báo khác hôm thứ Ba, Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản Masahiko Shibayama cũng đã công bố kế hoạch kêu gọi các cơ quan chính phủ khác ở Nhật Bản áp dụng định dạng tiếng Nhật cho tên bằng tiếng Anh, The Japan Times đưa tin.
Đề xuất mới nhất này xuất hiện tại một thời điểm đáng chú ý của Nhật Bản.
Thời kỳ Lệnh Hòa tại Nhật Bản đã chính thức bắt đầu vào ngày 1/5 khi Thái tử Naruhito lên ngôi Nhật hoàng, trở thành hoàng đế thứ 126 của quốc gia. Ngoài ra, sắp tới Nhật Bản sẽ tổ chức các sự kiện quốc tế đáng chú ý như hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka vào tháng tới và Thế vận hội Tokyo 2020.
Tuy nhiên, việc thay đổi tên có thể phức tạp hơn một chút so với lần đề xuất đầu tiên. Đáng chú ý việc đảo ngược danh xưng bắt nguồn từ chính phủ Nhật Bản và các công sở tại nước này vốn tuân theo các quy ước đặt tên phương Tây trong các tài liệu dịch của mình.
Tên nước ngoài ở Nhật Bản được phiên âm bằng tiếng Nhật theo cùng một mẫu được viết bằng ngôn ngữ gốc. Và không phải ai cũng hào hứng với sự thay đổi.
Một số dịch giả đã lên tiếng phàn nàn về đề xuất này, trong khi đó cựu Thống đốc Tokyo Yoichi Masuzoe cho rằng sự thay đổi sẽ chỉ tạo ra "rắc rối và chi phí" không đáng có.