Thái tử Naruhito sẽ chính thức được phong là tân hoàng đế của Nhật Bản, bắt đầu một kỷ nguyên mới trong lịch sử của đất nước, được đặt tên là "Lệnh Hòa", có nghĩa là "sự hòa hợp tuyệt đẹp". Nghi lễ đăng quang chính thức cho vị Nhật hoàng 59 tuổi sẽ diễn ra vào ngày 1/5.
Cựu Nhật hoàng Akihito (85 tuổi) đã có bài phát biểu cuối cùng với tư cách là hoàng đế nước Nhật vào ngày 30/4, bày tỏ "lòng biết ơn chân thành đến người dân Nhật Bản" trước khi thoái vị sau hàng thập kỷ trị vì.
Sau khi báo cáo sự thoái vị của mình với nữ thần mặt trời Amaterasu, một vị thần lớn trong Thần đạo Nhật Bản cùng với anh linh tổ tiên hoàng gia, Nhật hoàng Akihito đã bước vào hội trường nơi ông có phát biểu cuối cùng với tư cách là hoàng đế và tiếp đón các đại diện của nhân dân, bao gồm cả Thủ tướng Shinzo Abe, lần cuối cùng.
Lễ đăng quang của tân vương sẽ diễn ra vào lúc 10:30 sáng (giờ địa phương). Thái tử Naruhito sẽ được trao "tam chủng thần khí" - ba báu vật của hoàng gia Nhật Bản bao gồm thanh gươm Kusanagi no Tsurugi, chiếc gương Yata no Kagami và viên ngọc Yasakani no Magatama, cùng với các con dấu và bí mật trong một nghi lễ thiêng liêng có từ hàng ngàn năm trước.
Người ta tin rằng "tam chủng thần khí" đã được nữ thần mặt trời Amaterasu trao lại cho cháu trai Ninigi-no-Mikoto, người mà bà đã gửi xuống thế giới để mang lại hòa bình cho Nhật Bản. Truyền thuyết nói rằng Ninigi-no-Mikoto là ông cố hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản - Jimmu, do đó việc được trao ba vật báu là sự thừa nhận các Nhật hoàng là hậu duệ của thần Amaterasu.
Lễ đăng quang sắp tới sẽ rất đặc biệt do có sự hiện diện của một người phụ nữ - bà Satsuki Katayama, nữ bộ trưởng duy nhất trong nội các của Thủ tướng Abe, sẽ tham dự sự kiện này, theo truyền thống thì phụ nữ sẽ không được có mặt trong buổi lễ. Tuy nhiên, phu nhân của Thái tử Naruhito - hoàng hậu tương lai Masako, sẽ không tham dự nghi lễ hoàng gia này.
Sau khi lên ngôi, tân Nhật hoàng sẽ gặp mặt các đại diện của thần dân vào lúc 11:10 sáng, bao gồm các quan chức thuộc các nhánh lập pháp, tư pháp và hành pháp của Nhật Bản trong Hoàng cung.
Nhật hoàng Naruhito sau đó sẽ xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên với tư cách là hoàng đế, hàng ngàn người dự kiến sẽ đổ về khu vực Cung điện Hoàng gia để tận mắt chứng kiến vị tân vương. Hãng tin Kyodo News cho biết rằng hàng ngàn cảnh sát sẽ được triển khai tại sự kiện này.
Tuy nhiên, lễ lên ngôi chính thức của Nhật hoàng Naruhito sẽ diễn ra vào ngày 22 tháng 10 và dự kiến sẽ có sự chứng kiến của hàng ngàn khách mời và đoàn khách nước ngoài.
Theo hiến pháp năm 1946, Nhật hoàng bắt đầu đóng một vai trò mang tính biểu tượng hơn là chính trị ở Nhật Bản. Sự kế vị ngôi báu và sự thay đổi của thời đại mới hoàn toàn là biểu tượng của đất nước này. Lần cuối cùng, một hoàng đế Nhật Bản sẵn sàng rời bỏ ngai vàng Hoa cúc là vào năm 1817, khi Nhật hoàng Kokaku thoái vị để nhường ngôi cho con trai mình, sau 37 năm cầm quyền.