Nhật ký 108 ngày khủng khiếp ở Sài Gòn vì dịch Covid

(Ngày Nay) - Như cuốn phim quay chậm mãi hằn sâu trong ký ức những người từng sống ở TP.HCM trong đợt giãn cách xã hội năm 2021 vừa được nhà thơ, nhà báo Từ Nguyên Thạch kể lại trong cuốn nhật ký “108 ngày sống trong giãn cách”. Có lẽ, đây là cuốn nhật ký đầu tiên và có thể là duy nhất ghi lại hơn trăm ngày dịch Covid khủng khiếp ở thành phố này.

Nhà thơ, nhà báo Từ Nguyên Thạch xuất thân là nhà giáo với đầy đủ sự cẩn thận, chừng mực trong tính cách của ông. Nhật ký “108 ngày sống trong giãn cách” do NXB Hội Nhà văn cấp phép, cũng thể hiện sự cẩn thận, chừng mực của tác giả dù thời điểm đó gần như tâm trạng bức bối bao phủ mọi ngõ ngách của Sài Gòn.

Nhật ký 108 ngày khủng khiếp ở Sài Gòn vì dịch Covid ảnh 1

Nhật ký “108 ngày sống trong giãn cách”

Nhật ký “108 ngày sống trong giãn cách” được tác giả bắt đầu viết ngày 30-5-2021 khi TP.HCM chuẩn bị đợt giãn cách xã hội đầu tiên, kết thúc vào đợt giãn cách cuối cùng ngày 15-9-2021. Trong 108 ngày khủng khiếp đó là chừng ấy câu chuyện bi thương cứ tăng dần. Như tác giả bộc bạch: “Ban đầu thì u buồn. Sau thì ngơ ngác vì số người chết quá nhiều, không còn cảm giác sợ hãi nữa. Cũng như cảm giác giá rét, đến lúc tê cóng thì không còn nghe lạnh nữa. Trong mùa đại dịch tôi đã không dưới ba lần bị trơ lỳ cảm xúc như thế. Lúc đó tôi ước được như đứa trẻ ngồi khóc ngon lành. Nhưng chẳng được. Hai mắt chỉ ươn ướt, như sương”.

Thể loại nhật ký thường rất riêng tư, thậm chí nhàm chán nếu câu chuyện trong đó không có gì đặc biệt, điển hình để chạm đến số đông người đọc khi in thành sách. Nhà thơ Từ Nguyên Thạch hiểu rõ điều này nhưng vẫn quyết định ấn hành nhật ký vì ông cho rằng: “Những việc xảy ra giữa mùa đại dịch Covid không thể không ghi lại, lần đầu và có lẽ duy nhất được nếm trải trong đời. Ghi chép vì vậy có thể làm tài liệu cho những lớp người đến sau nếu muốn tìm tòi, nghiên cứu. Nên tôi vẫn cố viết tất cả những chuyện mình thấy, mình nghĩ, mình đau đớn giày vò cứ thế trải lên trang giấy”.

Những ai từng sống ở Sài Gòn trong thời gian này sẽ ít nhiều tìm thấy chính mình trong nhật ký “108 ngày sống trong giãn cách”, vì khi đó gần như mọi người có cùng chung hoàn cảnh và tâm trạng giống nhau. Ngày thứ 108 viết nhật ký, tác giả đã dặn lòng là “không được phép quên” khi ông đã trải qua tất cả cung bậc cảm xúc như hàng triệu người khác.

Nhật ký 108 ngày khủng khiếp ở Sài Gòn vì dịch Covid ảnh 2

Nhà thơ, nhà báo Từ Nguyên Thạch

“Rồi chúng ta cũng sẽ bước ra khỏi đợt giãn cách để quay lại cuộc sống thường ngày. Không còn cách nào khác. Đó là cách mà chúng ta tự cứu lẫn nhau. Bởi quanh ta còn rất nhiều trẻ em, người già đang chờ những đôi tay của chúng ta. Tôi nghĩ bên cạnh việc khôi phục cuộc sống hàng ngày, chúng ta còn phải làm nhiều việc để lưu giữ những ký ức đau đớn của Sài Gòn. Vì chúng là một phần của Sài Gòn hôm nay – một Sài Gòn kiêu hãnh bước qua đại dịch Covid mà không ai được phép quên” – trích Ngày thứ một trăm lẻ tám.

Nhà văn, PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam viết lời tựa “Tìm chút niềm vui trong nỗi đớn đau” cho cuốn nhật ký này, đã thể hiện sự đồng cảm: “Dịch bệnh đã cướp đi mạng sống của nhiều người dân. Thời gian khó nhọc và đau thương ấy, tôi – một bác sĩ trực tiếp khám và điều trị cho các bệnh nhân – cũng bị nhiễm virus corona. Tuổi tác cùng nhiều căn bệnh nền khác đã đẩy tôi tới sự nguy kịch. Nên tôi thấm thía sự khốc liệt mà “con quái vật virus”, như cách Từ Nguyên Thạch sử dụng ngôn từ trong tác phẩm này, tàn phá sức khỏe con người và kéo theo nhiều hệ lụy xã hội khác”.

Ở tư cách đồng nghiệp cầm bút, nhà văn Nguyễn Hoài Nam, nhận xét: “Từ Nguyên Thạch có nhiều thế mạnh để thể hiện xuất sắc trong tác phẩm này. Là nhà thơ, anh sử dụng ngôn từ vô cùng hấp dẫn, các trang viết dẫn dắt chúng ta quay về những ngày Sài Gòn gồng sức đối chọi với dịch Covid kinh hoàng. Là nhà báo, anh chắt lọc chi tiết, biết đưa chi tiết nào là “đắt”, là ấn tượng đến với độc giả. Chúng tôi cùng ở thế hệ đã đi qua những trải nghiệm, những mất mát, nỗi thống khổ vừa đủ để hiểu và trân quý cuộc đời. Sau bi thương sẽ luôn là hỉ lạc”.

“Bây giờ, đi trên đường tôi thấy dòng đời vẫn tuôn chảy như nó vốn có, nhưng bình tâm nhìn kỹ thì thấy đã thay đổi. Một sự thay đổi âm thầm mà sâu rộng, từ trong mỗi con người ra đến đường phố. Nên tôi hy vọng chúng ta sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn sau cơn đại dịch. Và những dòng nhật ký này, nếu được xin làm chiếc khăn lau đi nỗi buồn của hàng vạn người dân thành phố đã chịu nhiều mất mát, đau thương…” – nhà thơ, nhà báo Từ Nguyên Thạch.

TIN LIÊN QUAN
Bộ mặt bất động của Léa Drucker trong "Incrediable But True". Ảnh: Alamy.
Xếp hạng những bộ phim về cuộc săn lùng tuổi trẻ vĩnh cửu
(Ngày Nay) - Với việc ra mắt bộ phim “The Substance”, trong đó nhân vật của Demi Moore, một ngôi sao đang dần mờ nhạt, cố gắng tạo ra một phiên bản trẻ trung hơn của chính mình, tờ The Guardian đã xếp hạng 10 bộ phim hay nhất về chủ đề quay ngược thời gian.
TikTok bị kiện vi phạm quyền riêng tư trẻ em
TikTok bị kiện vi phạm quyền riêng tư trẻ em
(Ngày Nay) - Ngày 3/10, bang Texas (Mỹ) đã khởi kiện TikTok, cáo buộc nền tảng này vi phạm quyền riêng tư của trẻ em và quy định của tiểu bang khi chia sẻ dữ liệu cá nhân của trẻ nhỏ mà không có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp.
Một con cá heo chết trên hồ Tefé vào ngày 18/9/2024. Ảnh: Leonardo Benassatto/Reuters.
Các con sông lớn Amazon bị thu hẹp đáng kể
(Ngày Nay) - Các phụ lưu lớn đổ vào sông Amazon, con sông lớn nhất hành tinh, đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, làm đảo lộn cuộc sống, mắc cạn tàu thuyền và đe dọa các loài cá heo quý hiếm khi hạn hán bao trùm Brazil.