Nghiên cứu của đại học Princeton (Mỹ) cảnh báo nếu các chính phủ không hạn chế nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, các khu vực nhiệt đới trải dài hai bên đường xích đạo sẽ chạm đến "giới hạn thích nghi của con người".
Khả năng điều hòa thân nhiệt của con người phụ thuộc vào nhiệt độ và độ ẩm của không khí xung quanh. Con người có nhiệt độ cơ thể tương đối ổn định ở 37 độ C, trong khi da của chúng ta mát hơn để cho phép nhiệt thoát ra khỏi cơ thể.
Nhưng nếu nhiệt độ bầu ướt - thước đo nhiệt độ và độ ẩm không khí - vượt quá 35 độ C, nhiệt độ da cao có nghĩa là cơ thể không thể tự làm mát, có thể gây ra hậu quả chết người.
Ông Yi Zhang - người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: “Nếu quá ẩm ướt, cơ thể chúng ta không thể làm mát bằng cách bay hơi mồ hôi, đó là lý do tại sao độ ẩm lại quan trọng khi chúng ta xem xét khả năng sống ở một nơi nóng bức. Nhiệt độ cơ thể cao rất nguy hiểm hoặc thậm chí gây chết người".
Nhóm nghiên cứu đã xem xét các dữ liệu lịch sử và mô phỏng khác nhau, từ đó phát hiện ra rằng sự gia tăng nhiệt độ của thế giới sẽ cần được giới hạn ở mức 1,5 độ C để tránh rủi ro cho các khu vực nhiệt đới vượt quá 35 độ C trong nhiệt độ bầu ướt.
Thế giới đã ấm lên trung bình khoảng 1,1 độ C do hoạt động sản xuất của con người và mặc dù các chính phủ đã cam kết trong Hiệp định Khí hậu Paris rằng sẽ giữ nhiệt độ ở mức 1,5 độ C, các nhà khoa học cảnh báo giới hạn này có thể bị vi phạm trong vòng một thập kỷ.
Điều này có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đối với một nhóm dân số khổng lồ. Khoảng 40% dân số thế giới hiện đang sống ở các nước nhiệt đới, với tỷ lệ này sẽ tăng lên một nửa dân số toàn cầu vào năm 2050 do tỷ lệ người trẻ trong khu vực này rất lớn.
Mojtaba Sadegh, một chuyên gia về rủi ro khí hậu tại Đại học Bang Boise (Mỹ), cho biết nghiên cứu đã thực hiện “một công việc tuyệt vời” trong việc phân tích nhiệt độ gia tăng “có thể khiến các khu vực của vùng nhiệt đới trở thành vùng đất chết nếu không được đầu tư cơ sở hạ tầng".
“Nếu giới hạn này bị vi phạm, các cơ sở hạ tầng như nơi trú ẩn có không khí mát là hoàn toàn cần thiết cho sự tồn tại của con người. Do phần lớn khu vực bị ảnh hưởng bao gồm các quốc gia có thu nhập thấp, việc cung cấp cơ sở hạ tầng cần thiết sẽ là một thách thức", ông Sadegh nói. “Về mặt lý thuyết, không con người nào có thể chịu được nhiệt độ bầu ướt trên 35 độ C, bất kể họ uống bao nhiêu nước".
Nghiên cứu này chỉ là cảnh báo khoa học mới nhất về những nguy hiểm nghiêm trọng do nắng nóng gây ra. Các nhà khoa học nhận thấy rằng những đợt nắng nóng khắc nghiệt có thể đẩy các khu vực ở Trung Đông vượt quá sức chịu đựng của con người, với nhiệt độ tăng cao cũng gây ra những rủi ro to lớn cho các khu vực của Trung Quốc và Ấn Độ.