Những lao động ‘trầm lặng’ tại Hong Kong

[Ngày Nay] - Hong Kong (Trung Quốc) – một điểm sáng của châu Á trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19, bỗng chốc xuất hiện làn sóng dịch bệnh thứ ba. Bất chấp rủi ro sức khỏe, nhiều lao động vẫn phải ra đường đi làm, họ vẫn là những người ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh của thành phố.
Những lao động ‘trầm lặng’ tại Hong Kong

"Chúng tôi là những người đầu tiên có mặt”

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Hong Kong, ông Chiu – người làm nghề lao công, vẫn đi làm đều đặn, mặc cho nhiều đồng nghiệp của ông đã phải nghỉ việc vì lo sợ nguy cơ lây nhiễm với mầm bệnh.

“Tôi bắt đầu công việc này khi mới hơn 30 tuổi, giờ thì đầu đã có sợi bạc. Mỗi ngày tôi đi thu gom rác tại các tòa nhà chung cư và cao ốc trong thành phố”, người đàn ông 53 tuổi nói. “Nghề lao công rất vất vả nhưng lại chẳng được người ta đánh giá cao. Dịch bệnh bùng phát càng khiến tôi thấy khó khăn hơn”.

Người lao công lớn tuổi cho biết chưa khi nào ông chịu nhiều áp lực như hiện tại, từ khối lượng công việc cho tới nỗi lo sợ bị mắc bệnh. Dù luôn điềm tĩnh, nhưng ông Chiu không khỏi cảm thấy chạnh lòng và thất vọng khi những nỗ lực của các lao công không được xã hội ghi nhận.

“Lao công cũng đóng góp vào nỗ lực chống đại dịch của thành phố, nhưng không ai công nhận điều đó. Chúng tôi luôn coi là những người lao động thuộc tầng lớp thấp”, ông Chiu cay đắng nói.

Giống như các y bác sĩ, những người lao công như ông Chiu vẫn phải ra đường đi làm khi mọi người ở nhà tránh dịch. Mặc cho tính chất công việc, họ đều là những người ở tuyến đầu chống dịch của Hong Kong.

Những lao động ‘trầm lặng’ tại Hong Kong ảnh 1

Hiện tại thành phố 7,4 triệu dân đang bước vào làn sóng dịch bệnh thứ ba, khi số ca mắc mới kể từ tháng 7 đã tăng cao đột biến, nâng tổng số trường hợp nhiễm COVID-19 lên tới hơn 4.000.

Ngoài lao công, các tài xế lái xe buýt, nhân viên bảo trì chung cư cũng là những người bắt buộc phải đi làm trong mùa dịch, họ vẫn phải phục vụ và đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người dân để thành phố được vận hành trơn tru. Bất chấp những lời kêu gọi hỗ trợ cho những người lao động này, trớ trêu thay đại dịch không chỉ khiến công việc của họ trở nên rủi ro hơn mà còn khiến thu nhập của nhiều người bị suy giảm.

Những ngày này, công tác đảm bảo vệ sinh tại Hong Kong càng phải được chú trọng hơn bao giờ hết.
Cứ mỗi tiếng, ông Chiu và các đồng nghiệp của mình, hơn 100 người ở độ tuổi 40-70, phải quét dọn và khử trùng khu vực mình đảm nhận. Mỗi ca làm việc của họ kéo dài 10 tiếng đồng hồ.

Do phần lớn người dân đang phải làm việc tại nhà, đồng nghĩa với việc càng có nhiều rác được thải ra tại các khu dân cư. “Nếu như trước đây tôi chỉ phải đổ 4 thùng rác một ngày ở từng khu vực, thì con số hiện tại là gấp đôi”. Vào thời điểm ban đầu khi dịch bệnh bùng phát, khẩu trang hết sức khan hiếm, tới nỗi người lao công phải dùng đi dùng lại một cái trong nhiều ngày, hoặc chọn cách không đeo.Hiện giờ, tình hình đã cải thiện hơn đôi chút, mỗi ngày ông Chiu thay 2 chiếc khẩu trang và được kiểm tra nhiệt độ 2-3 lần trong ngày.

Đầu giờ sáng và tối, ông Chiu lại đọc tin tức về những nơi có ca mắc mới để xem liệu có đồng nghiệp nào của mình sống hoặc làm việc gần đó không.

“Nếu một lao công sống trong tòa nhà có người bệnh, chúng tôi sẽ phải tự cách ly trong 2 tuần, hoặc làm xét nghiệm và chờ kết quả cho tới khi được phép đi làm trở lại”, ông nói. “Điều này cũng có nghĩa là thu nhập của chúng tôi bị cắt giảm”. Trung bình một tháng, những người như ông Chiu thu về 10.000 đô la Hong Kong (gần 30 triệu đồng), khoản thu nhập được xem là ít ỏi so với mức sống của người dân Hong Kong.

Ông Chiu cho biết đã có không ít đồng nghiệp bỏ việc vì áp lực, nhưng nhiều người vẫn không ngần ngại đi làm, ngay cả khi được yêu cầu dọn dẹp và khử trùng các tòa nhà có người mắc bệnh.

“Điều làm tôi nản lòng nhất là sự thiếu công nhận và định kiến của mọi người đối với chúng tôi. Khi một nơi được phát hiện có người bệnh. Ai sẽ là người đầu tiên có mặt – chính là những người như tôi”, ông nói. “Người ra thường coi công việc của chúng tôi là điều hiển nhiên, nhưng họ có bao giờ nghĩ rằng chúng tôi cũng là con người và cũng phải đối mặt với rủi ro trong đại dịch không?”

Lo sợ khi thấy hành khách không đeo khẩu trang

Henry Hui Hon-kit (57 tuổi), một tài xế xe buýt với hơn 20 năm kinh nghiệm, thừa nhận ông luôn lo sợ mỗi khi có một hành khách lạ mặt bước lên xe buýt của mình, dù ông luôn tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn.

Trước khi bắt đầu mỗi chuyến đi, ông Hui khử trùng khoang lái và rửa tay trước khi đeo khẩu trang. Các công đoạn phức tạp này rút ngắn không ít thời gian nghỉ của người tài xế.
Mỗi ngày, công ty chủ quản của ông Hui – Citybus, đều phát cho các tài xế 2 chiếc khẩu trang để đeo khi làm việc. Dù vậy, ông Hui không khỏi khó chịu khi nhiều hành khách lại thản nhiên không đeo mặt nạ khi lên xe.

Những lao động ‘trầm lặng’ tại Hong Kong ảnh 2

Việc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng tại Hong Kong là bắt buộc kể từ ngày 15/7, với mức phạt tối đa là 5.000 đô la. 

“Nếu có người không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng cách, tôi đều nhắc nhở họ. Nếu họ tiếp tục không hợp tác, tôi được phép yêu cầu người đó xuống xe”, ông Hui nói.

Với việc nhiều người ở nhà hơn, lượng khách đi xe buýt giảm mạnh và các công ty xe buýt buộc phải cắt giảm số lượng xe buýt chạy các tuyến.

“Điều này khiến các chuyến xe còn hoạt động trở nên đông đúc hơn, càng có nghĩa là nhiều lây lan dịch bệnh hơn và kéo theo đó là giảm thu nhập và giờ làm”, tài xế Hui cho biết.

Thu nhập hàng tháng của ông Hui giảm khoảng 3.000 đô la, trong khi hầu hết các đồng nghiệp của ông, những tài xế làm thêm giờ bị thiệt hại từ 6.000-8.000 đô la một tháng kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Làm việc ít hơn cũng không khiến ông Hui thoải mái hơn, sau mỗi ngày tan ca người tài xế lo sợ rằng mình sẽ mang theo mầm bệnh trở về nhà và lây cho vợ con.

“Điều đầu tiên tôi làm khi về nhà đó là rửa tay sạch sẽ, khử trùng túi xách và cho vào túi ni lông sạch. Cả nhà ai cũng lo lắng cho tôi”, ông Hui nói.

“Chúng tôi là những người đầu tiên họ tìm đến”

Nhân viên quản lý tòa nhà Viva Ng Ka-Yin (40 tuổi), cho biết trong 20 năm làm việc, cô chưa bao giờ căng thẳng như hiện tại. Vào giữa tháng 7, một tòa nhà chung cư mà cô giám sát đã xuất hiện ca mắc COVID-19.

Trước khi làn sóng dịch bệnh thứ ba bùng phát tại Hong Kong, Ka-Yin và các đồng nghiệp khác, bao gồm cả bảo vệ và lao công, đã cố gắng ngăn mầm bệnh lây lan bên trong các tòa dân cư, nơi có khoảng 5.000 hộ gia đình sinh sống thuộc khu vực Tân Giới, Hong Kong.

Trước khi đặt lưng xuống giường, Ka-Yin có thói quen tra cứu các địa điểm xuất hiện những ca bệnh mới trong cộng đồng. Trong một đêm, Ka-Yin bất ngờ bắt gặp tên của tòa nhà do mình phụ trách xuất hiện ca mắc COVID-19. Ngay lập tức cô phải soạn thảo một bản thông báo cho các cư dân và sắp xếp công tác khử trùng cho tòa nhà ngay lập tức. Ngay sáng hôm đó, Ka-Yin tức tốc tới tòa nhà để phụ trách công tác khử trùng vệ sinh, điện thoại cô liên tục có những cuộc gọi của cư dân trong tòa nhà.

“Tôi chỉ nhớ chỉ riêng sáng hôm đó đã có tới 30 người gọi tới, giọng ai nghe cũng sợ hãi. Khi đó tôi thấy áp lực vô cùng”, Ka-Yin hồi tưởng. “Đây là lần đầu tiên chúng tôi có ca bệnh trong tòa nhà. Từ người dân cho tới các nhân viên vận hành, ai cũng có chung một nỗi lo”.

Nhớ lại thời điểm đại dịch SARS hoành hành tại Hong Kong vào năm 2003, Ka-Yin cho biết dù đều là dịch bệnh chết người, nhưng COVID-19 lại kéo dài lâu hơn và gây thiệt hại kinh tế nặng nề hơn cho mọi người, đặc biệt là những người làm việc ở tuyến đầu.

Dù lo sợ chính bản thân mình có khả năng mắc bệnh nếu liên tục có mặt trong tòa nhà đó, nhưng Ka-Yin cho rằng cô không còn lựa chọn nào khác.

“Đó là trách nhiệm của tôi. Sau tất cả, chúng tôi là những người đầu tiên mà các cư dân tìm đến”, cô nói.

Cần hỗ trợ thêm

Ngày 14/7, chính quyền Hong Kong thông báo sẽ tiến hành làm xét nghiệm cho 400.000 người thuộc các nhóm có nguy cơ cao, bao gồm nhân viên các viện dưỡng lão và tâm thần, tài xế taxi, nhân viên nhà hàng và nhân viên quán lý tòa nhà.

Tiến sĩ Johnnie Chan Chi-kau, chủ tịch Hiệp hội các công ty quản lý tòa nhà Hong Kong, cho biết các công ty đang cố gắng cung cấp mọi sự hỗ trợ cần thiết để đảm bảo an toàn cho các nhân viên của mình.

Ông Chan cho biết không giống như những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất như dịch vụ ăn uống và bán lẻ vốn phải chọn cách sa thải hàng loạt, nhân viên làm trong ngành quản lý tòa nhà vẫn hết sức thiết yếu đối với xã hội.

Nhưng các liên đoàn lao động cho rằng những người làm việc ở tuyến đầu đang cần sự trợ giúp hơn bao giờ hết.

Những lao động ‘trầm lặng’ tại Hong Kong ảnh 3

Leung Tsz-yan, nhà tổ chức của Liên đoàn Công nhân Vệ sinh, cho biết người lao động vẫn còn thiếu trang bị, chẳng hạn như quần áo bảo hộ, khẩu trang và miếng che mặt,…

“Một số người làm việc trong các khu vực có người mắc bệnh không có gì ngoài khẩu trang để che chắn. Giống như các bác sĩ, họ cũng cần phải được trang bị găng tay, ủng, miếng che mặt và quần áo bảo hộ.”, Leng nói.

Tài xế xe buýt Henry Hui hy vọng chính quyền thành phố cũng sẽ tăng cường xét nghiệm COVID-19 cho các tài xế và cho rằng các công ty nên đẩy mạnh việc khử trùng xe.

Bất chấp những rủi ro và định kiến với nghề, ông Chiu luôn cố gắng giữ vững tinh thần khi làm việc và chọn cách động viên các đồng nghiệp của mình tiếp tục “chiến đấu”.

“Tôi luôn nói với họ: bằng cách giữ cho thành phố sạch sẽ và an toàn, chính chúng ta cũng đang đóng góp một phần công sức của mình để bảo vệ Hong Kong khỏi dịch bệnh”, ông Hui nói.

Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington DC.,. : CNN.
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine
(Ngày Nay) - Với 79 phiếu thuận và 18 phiếu chống, tối 23/4 (theo giờ Mỹ, tức sáng 24/4 giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ bổ sung được chờ đợi lâu nay cho Ukraine, Israel và một số nước khác.
Viết về một định kiến
Viết về một định kiến
(Ngày Nay) -  Việc đặt “viên mãn” và hôn nhân tan vỡ thành một cặp phạm trù đối lập là một thói quen phổ biến trong giao tiếp của Việt Nam. Chính tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến điều đó, và cũng thấy cái nhị nguyên đó là bình thường. Cho đến một ngày, một đồng nghiệp của tôi tâm sự nhỏ nhẹ, làm thế nào để nhắc mọi người đừng giật tít thế nữa nhỉ. “Dàn sao phim X sau 20 năm: Người viên mãn, người ly hôn”. Ly hôn đối lập với viên mãn. Mọi người nói, và thẳm sâu nghĩ thế.
Ảnh minh hoạ.
TP HCM: Chủ động phòng ngừa bệnh sốt rét
(Ngày Nay) - Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, để bảo vệ thành quả loại trừ bệnh sốt rét, năm 2024 TP Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì các hoạt động phòng chống sốt rét.