Mở nắp nồi quá nhiều khi nấu
Khi nấu nên đậy nắp nồi, hạn chế mở nắp nồi để đồ ăn không bị tiếp xúc với ánh sáng, làm hao hụt lượng vitamin. Một số thực phẩm chứa lượng vitamin B2 cao, rất dễ bị tác động bởi ánh sáng và gây ra hiện tượng ôxy hoá bởi tác nhân này.
Việc đậy nắp nồi cũng hạn chế tình trạng bay hơi của một số loại dinh dưỡng, đồng thời tiết kiệm được thời gian nấu nướng vì thực phẩm sẽ nhanh chín hơn.
Nấu với quá nhiều nước
Một mẹo nhỏ khi nấu nướng là dùng càng ít nước càng tốt để tránh cho các loại vitamin hòa tan trong nước bị hao hụt. Không dùng nước để nấu thực phẩm (như phương pháp hấp cách thủy) cũng giúp giữ lại nhiều vitamin hơn nấu, luộc.
Nấu với nhiệt độ cao
Vitamin bị phá hủy ở nhiệt độ cao, vì thế khi nấu ăn chỉ nên nấu với nhiệt độ thấp và vừa phải, đảm bảo ổn định cấu trúc của các loại vitamin và khoáng chất.
Lạm dụng dầu mỡ
Vitamin A, D và E dễ bị bão hòa bởi chất béo nên nếu muốn đảm bảo lượng các vitamin này không bị hao hụt đi nhiều, mẹ cần nấu ăn với ít dầu mỡ. Ví dụ như món gan giàu vitamin A nên luộc thay vì xào, món cá giàu vitamin D nên hấp hoặc nướng hơn là rán.
Ngoài ra, thực phẩm đun trên dầu nóng còn sản sinh ra các chất gây ung thư, là nguyên nhân hàng đầu gây nên ung thư dạ dày, ung thư vú, các bệnh ung thư vùng ruột kết và trực tràng.
Dùng vỉ nướng
Nhiều gia đình chọn vỉ nướng vì như vậy sẽ không phải nhúng rau vào dầu hay các loại nước sốt khác.
Tuy nhiên nhiệt độ cao và khô của vỉ nướng có thể làm cạn kiệt nguồn dinh dưỡng. Tồi tệ hơn, khi rau cháy có thể sản sinh ra các chất gây ung thư. Để không gặp tình trạng này, không nướng rau đến khi xuất hiện vết cháy, chọn loại vỉ nướng dành riêng cho rau và kiểm soát nhiệt độ vừa phải.
Nấu quá chín
Không ít những người vào bếp gặp phải sơ suất này khiến rau mềm nhũn, biến màu và không còn ngon miệng khi thưởng thức. Quan trọng hơn, nhiệt có thể phá hủy phần dinh dưỡng chính trong rau.
Khi thực hiện món luộc, phần chất dinh dưỡng quý giá của rau sẽ hòa tan vào nước, vì vậy không nên bỏ qua nước luộc hoặc chỉ nên nhúng rau vào nước sôi. Các chuyên gia khuyên bạn cách tốt nhất để giữ rau nguyên chất là đun rau khoảng 3 - 5 phút trước khi xào nấu.
Nấu quá lâu
Rau quả cần phải được chế biến và ăn nhanh chóng sau khi nấu: sau 24 tiếng đồng hồ để ở tủ lạnh, rau quả đã mất đi ¼ lượng vitamin C, sau 2 ngày, lượng vitamin giảm đi còn một nửa.
Thời gian nấu nướng đồ ăn càng dài và nhiệt độ càng cao càng làm mất đi nguồn vitamin và dinh dưỡng có trong thực phẩm. Ngoài ra khi nấu ăn càng lâu, các loại vitamin dễ tan trong nước sẽ tan hết ra trong nước dùng, chỉ có các omega hay chất béo là ổn định.
Vì thế, đối với rau củ, việc hầm ninh quá lâu không tốt bằng xào hay luộc nhanh. Hâm nóng lại đồ ăn nhiều lần, đặc biệt là rau cũng là việc làm không nên và dễ khiến các vitamin bị hủy diệt nhanh chóng.
Luôn gọt vỏ rau củ
Ngoại trừ các loại của có vỏ cứng không thể ăn được thì không nên gọt vỏ rau củ, chỉ cần rửa sạch rồi đem nấu là được vì ở một số loại rau củ như củ cải, cà rốt, cà tím,..., phần vỏ chứa hàm lượng vitamin cực kì cao.
Mẹ cũng lưu ý là rau củ quả có nguồn gốc đảm bảo, không nhiễm chất hóa học, thuốc bảo quản thực phẩm,... mới có thể yên tâm áp dụng quy tắc “ăn cả vỏ” được.
Rau xanh để lâu
Trong thời đại hiện nay, người phụ nữ thường bận rộn hơn với công việc và không có nhiều thời gian đi chợ. Vì vậy, để tiết kiệm thời gian, họ thường có thói quen đi chợ cho cả tuần, mua đủ các loại đồ ăn và rau, củ “tích trữ” trong tủ lạnh. Tuy nhiên, bạn nên biết rằng rau xanh càng để lâu càng mất đi nhiều chất dinh dưỡng.
Rửa sau khi cắt rau
Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, tốt nhất bạn nên rửa rau xong rồi mới cắt, như thế sẽ đảm bảo lượng vitamin vẫn còn nguyên vẹn. Lý do là vitamin có trong rau thường ở dạng nước nên nếu cắt rau xong mới rửa, bạn đã vô tình loại bỏ đi lượng lớn vitamin.
Rau xanh đun đi đun lại nhiều lần
Rau đun lại nhiều lần sẽ làm mất đi một lượng lớn vitamin trong rau xanh, ăn vào không những không có lợi mà thậm chí còn có hại.
Để lửa nhỏ xào rau
Nếu dùng lửa nhỏ xào rau, rau sẽ bị om lâu và dẫn đến việc mất vitamin, đặc biệt là vitamin C và B1. Theo khuyến cáo, khi xào rau bạn nên dùng lửa to.
Một số loại rau chỉ nên ăn sống như dưa chuột, cà chua, xà lách...
Bảo quản và chế biến rau củ quả đúng cách
Trong quá trình bảo quản và chế biến thức ăn, thật đáng tiếc khi vẫn có những thói quen không tốt khiến chất dinh dưỡng trong trái cây và rau củ quả bị mất đi. Một số gợi ý dưới đây sẽ giúp mẹ hạn chế vấn đề này.
Cách bảo quản
Nên ăn ngay trong ngày hoặc sau 1 ngày vì giữ lâu trong tủ lạnh sẽ làm giảm lượng vitamin. Không giữ trái cây và rau xanh cùng nhau vì trái cây chín phóng thích khí ethylene làm sớm hỏng rau củ xung quanh.
Trước khi cho vào tủ lạnh, bạn cũng cần lưu ý:
Trái cây: nên cho vào trong túi nylon để tránh mất nước, túi phải đục những lổ thủng để thoát hơi nước hình thành bên trong túi.
Rau xanh: gói trong khăn giấy sau đó cho vào túi nylon để lá không bị héo và tránh mất nước.
Tránh sơ chế rau củ (chẻ, cắt, nhặt…) khi chưa nấu ngay vì chất dinh dưỡng sẽ bị mất đi trong quá trình bảo quản và bị hỏng rất nhanh.
Một số loại không cần dự trữ trong tủ lạnh như khoai tây, cà chua, bơ…Khi thấy khoai tây đã mọc mầm nghĩa là trong khoai tây đã chứa 1 lượng lớn độc tố thì không nên ăn.
Cách chế biến
Với Trái cây:
Khi ăn trái cây không nên gọt vỏ quá dày vì chính điều này đã làm mất đi phần lớn vitamin có trong trái cây. Để đảm bảo an toàn, hãy ngâm trái cây vào dung dịch diệt khuẩn nano, hoặc với nước muối… sau đó để ráo và gọt vỏ thật mỏng thậm chí có thể ăn nguyên vỏ càng tốt.
Hạn chế ép lấy nước mà nên ăn cả xác vì phần lớn chất xơ, vitamin, khoáng chất đều nằm ở xác.
Trái cây không nên gọt sẵn, khi đã cắt nên ăn ngay vì các chất dinh dưỡng có trong trái cây như vitamin C, folat… cũng có thể bị mất dần dưới tác dụng của ánh sáng, nhiệt độ, không khí.
Với Rau củ
Bạn nên ngâm trong nước muối, rửa rau củ quả dưới vòi nước chảy đến khi nước trong để trôi sạch trứng giun cũng như các loại ký sinh trùng khác.
Sau khi rửa sạch mới xắt rau củ quả thành những kích cỡ mong muốn.
Nên chọn cách hấp thay vì luộc để hạn chế vitamin bị mất đi.
Nếu luộc, nên cho ít nước và để giữ được vitamin C trong rau củ.
Không nên nấu hay xào quá lâu, khi xào nên xắt rau củ thật nhỏ và xào thật nhanh với một chút dầu ăn nóng (trên lửa lớn và không quá 5 phút).
>>> Xem thêm:
Điểm mặt 6 loại trái cây càng ăn càng hại sức khỏe
Điểm mặt những loại thực phẩm không nên hâm nóng trước khi ăn
Lý do bạn nên ăn nhãn thường xuyên
Tuệ Linh (th)