Giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang-Shiyou-981) hạ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam - Ảnh: Reuters. |
Trong những tháng gần đây, hành động đơn phương của Trung Quốc khẳng định yêu sách chủ quyền trong biển Đông đã đưa căng thẳng khu vực lên tầm cao mới. Động thái có tính toán này của Trung Quốc được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài.
Chúng bao gồm cả việc nâng cao uy tín và quyền lực của chủ tịch Tập Cận Bình cho chương trình cải cách trong nước của ông, cùng với giả định rằng rất ít có khả năng Hoa Kỳ sẽ can thiệp đúng lúc vào thời điểm này.
Khác với các hành động công khai khẳng định chủ quyền ở biển Đông, các tuyên bố chính thức và phân tích nghiên cứu pháp lý từ bên trong Trung Quốc cũng phản ánh một quyết tâm được hiệu chỉnh nhằm duy trì đường chín đoạn đầy tranh cãi của họ ở biển Đông.
Theo góc nhìn của Trung Quốc, cách giải thích minh bạch và trực tiếp nhất cho sự quyết đoán gia tăng của Trung Quốc ở biển Đông là đơn giản: Trung Quốc tin rằng việc họ đơn phương kiềm chế trong quá khứ chẳng giúp cải thiện vị trí của họ trong tranh chấp ở biển Đông và thực tế việc họ không hành động đã khiến các bên tranh chấp khác tăng cường hiện diện và yêu sách.
Vì vậy, đối với Trung Quốc để cải thiện vị trí của mình trong tình thế hiện tại hoặc cho các đàm phán trong tương lai, trước nhất họ phải thay đổi hiện trạng (status quo) bằng mọi phương tiện cần thiết sẵn có.
Trung Quốc muốn dùng phương thức dân sự và bán quân sự hơn nhưng cũng không loại bỏ hành động cưỡng chế quân sự nếu cần. Vị thế thuận lợi và đặc quyền nhất định ở biển Đông đều được cho là điều không thể thiếu cho khát vọng trở thành một "cường quốc hải quân lớn", một "nhiệm vụ then chốt" của Trung Quốc được Đại hội Đảng lần thứ 18 vào năm 2012 vạch ra và là một chính sách do chinh Tập Cận Bình chuẩn nhận.
Trong khi khát vọng về một "Hải quân biển xanh" (hải quân có khả năng hoạt đông ở vùng biển sâu khắp các đại dương - ND) và mở rộng hải quân của Trung Quốc phải đối mặt với nhiều điểm nghẹn dọc theo bờ biển phía đông từ Nhật Bản xuống tới Philippines, biển Đông được coi là nơi cung cấp cho Trung Quốc một khu vực biển lớn hơn nhiều và ít hạn chế hơn cho họ diễn tập hải quân.
Dù chính sách làm thay đổi hiện trạng và theo đuổi địa vị cường quốc hải quân đã xuất hiện trong một vài năm qua, việc định lịch cụ thể cho các hành động gần đây nhất của Trung Quốc có liên quan chặt chẽ với chính trị nội bộ Trung Quốc - Chủ tịch Tập Cận Bình cần một tư thế đối ngoại mạnh để tăng quyền lực trong nước của mình.
Chương trình cải cách đang tiếp diễn của Tập Cận Bình kể từ khi nhậm chức vào năm 2013, bao gồm "cải cách kinh tế sâu sắc" và một chiến dịch "chống tham nhũng" mạnh mẽ, đã đụng chạm đến nhiều vấn đề nhạy cảm liên quan đến các nhóm lợi ích hiện có và chính trị lãnh đạo ở Trung Quốc.
Vì vậy, Tập Cận Bình cần càng nhiều uy tín trong chính sách đối ngoại càng tốt để xây dựng hình ảnh của một người hùng và xoa dịu những lời chỉ trích nội bộ về các chương trình trong nước khác nhau của ông. Điều này không hẳn gợi ra hoặc cho thấy bản thân Tập Cận Bình không chấp nhận một chính sách đối ngoại quyết đoán, nhưng chắc chắn đã có phần tác động mạnh mẽ vào nội dung ngoại trị của ông ta.
Cuối cùng nhưng không kém quan trọng, Trung Quốc đang hành xử quyết đoán ở Biển Đông vì họ tin rằng họ có thể làm như vậy. Đánh giá này không chỉ dựa trên năng lực quân sự đang tăng của Trung Quốc vốn làm thấp xuống năng lực quân sự của tất cả các nước Đông Nam Á có yêu sách khác gộp lại, mà còn dựa vào một niềm tin mạnh mẽ của Trung Quốc rằng Hoa Kỳ sẽ không sử dụng sức mạnh cứng để chống lại các hành động của họ.
Trung Quốc đã theo dõi chặt chẽ sự do dự của Mỹ về việc can thiệp quân sự ở Syria, Ukraine, và rút ra kết luận rằng chính quyền Obama không muốn dính vào một cuộc xung đột quân sự. Họ tin tưởng mạnh mẽ rằng chính quyền Obama không mặn mà gì với di sản đối ngoại bao gồm một cuộc xung đột với Trung Quốc.
Khi phát ngôn như vậy, Trung Quốc không nhận ra sự khác biệt giữa Ukraina, vốn không phải là một thành viên của NATO, và Philippines, vốn là một đồng minh của Mỹ. Tuy nhiên, khi Trung Quốc nắm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough vào năm 2012, Hoa Kỳ đã không làm gì.
Hơn nữa, bà Phó Oánh (Fu Ying), Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trung Quốc, chỉ ra gần đây tại hội nghị Shangri-La, tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam "không có dính dáng gì với Mỹ." Thông điệp hàm trong đó là Việt Nam thậm chí không phải là một đồng minh của Mỹ và khả năng can thiệp quân sự của Mỹ vì Việt Nam là rất xa vời, nếu không nói là không thể có.
Khác với việc thực hiện những hành động đơn phương để thay đổi hiện trạng, Trung Quốc cũng đang tăng cường các lập luận đằng sau "đường chín đoạn" đầy tranh cãi của họ ở biển Đông. Phó Tham mưu trưởng PLA, tướng Vương Quán Trung (Wang Guanzhong) đưa ra một lập luận chưa từng có gồm sáu điểm về tính hợp pháp của đường chín đoạn tại Đối thoại Shangri-La, một dấu hiệu rõ ràng về quyết tâm của Bắc Kinh nhằm duy trì yêu sách gây tranh cãi này.
Điều này trái ngược hẳn với một vài năm trước, lúc đó cộng đồng pháp lí và chính sách đối ngoại của TQ vẫn còn tranh luận về tính hợp lệ của đường chín đoạn. Bây giờ các nhà phân tích Trung Quốc gần như nhất trí cho rằng Bắc Kinh nên đơn phương bám chặt vào yêu sách gây tranh cãi này.
Trung Quốc hiểu rất rõ những mâu thuẫn giữa đường chín đoạn và công ước UNCLOS, và đã đầu tư đáng kể trong nghiên cứu pháp lý để chứng minh lập luận về "quyền lịch sử". Một số chuyên gia Trung Quốc đã tìm thấy cách biện minh trong chính UNCLOS, cho rằng công ước là "không rõ ràng" và "còn lửng lơ" về vấn đề danh nghĩa/sở hữu lịch sử. Vì vậy, theo quan điểm của họ, vấn đề quyền lịch sử chưa được giải quyết bởi UNCLOS và vẫn còn tiếp tục thảo luận mở.
Các chuyên gia Trung Quốc khác lại cho rằng đường chín đoạn sẽ không tìm thấy được chỗ dựa nào từ UNCLOS. Thay vào đó, họ cố gắng khai thác các cách biện minh khác vượt ra ngoài UNCLOS từ luật tập quán quốc tế hoặc quy tắc thông dụng khác.
Cả hai trường phái đều cho rằng vì đường chín đoạn có trước UNCLOS bốn thập kỷ và quyền lịch sử của Trung Quốc có trước UNCLOS còn lâu hơn nữa, do đó không thể áp dụng hồi tố UNCLOS áp đặt lên chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền quản trị biển của Trung Quốc đã được hình thành qua lịch sử.
Trung Quốc cũng đang cẩn thận cân nhắc sẽ yêu sách cái gì trong phạm vi đường chín đoạn. Lý do của "sự mập mờ chiến lược" cố ý của họ là rõ ràng: chừa ra khoảng trống và sự linh hoạt cho các cuộc đàm phán trong tương lai. Hầu hết các nhà phân tích Trung Quốc có xu hướng coi vùng biển bên trong đường chín đoạn là vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, mặc dù chính phủ Trung Quốc vẫn chưa công khai xác nhận lập trường đó.
Nhiều người trong cộng đồng chính sách Trung Quốc hiểu rõ những điểm yếu của những lập luận pháp lý này. Tuy nhiên, có cách biện minh yếu nhưng hợp pháp vẫn tốt hơn là không có cách biện minh nào cả, đặc biệt là khi lập trường như vậy được sức mạnh quốc gia to lớn hậu thuẫn và sẵn sàng để sử dụng nó. Trong khi đó, họ cho rằng phí tổn về tai tiếng là kiểm soát được.
Trên thực tế, trong phân tích thiệt-hơn của Trung Quốc, những lợi ích thực sự của hành động cưỡng chế vượt trội hơn hẳn thiệt hại. Xét cho cùng, Trung Quốc có những cách khác (chủ yếu là kinh tế) để cải thiện quan hệ với Đông Nam Á trong khi yêu sách của họ ở biển Đông khó có thể đạt được thông qua bất kỳ phương pháp nào khác ngoài cưỡng chế.
Ngoài ra, Trung Quốc không chấp nhận cơ chế giải quyết tranh chấp theo quy định của UNCLOS. Vì vậy, ngay cả khi tòa án quốc tế ủng hộ yêu sách của Philippines, Trung Quốc sẽ không chấp nhận kết quả và sẽ rất khó khăn, nếu không nói là hoàn toàn không thể, cho tòa án thực thi phán quyết của mình.
Dù những nước khác có thích hay không, Trung Quốc đang có được những gì họ muốn. Những phát triển mới trong tính toán và lập trường của Trung Quốc đáng được thông tỏ và ứng phó kịp thời từ các nước trong khu vực, đặc biệt là Hoa Kỳ.
(*) Tôn Vận là một nhà nghiên cứu Đông Á tại Trung tâm Stimson, Mỹ.