Nỗ lực đối phó với vi rút Zika

(Ngày Nay) -Trong tháng 10 và tuần đầu của tháng 11 số ca nhiễm vi rút Zika tại TP Hồ Chí Minh tăng nhanh. Để lên phương án đối phó với nguy cơ vi rút Zika lây lan ra diện rộng, UBND TP Hồ Chí Minh đã khẩn trương triển khai nhiều phương án nhằm theo dõi và kiểm soát dịch bệnh trên toàn địa bàn.
 
Nỗ lực đối phó với vi rút Zika

Số ca nhiễm vi rút Zika gia tăng

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vi rút Zika đã lan đến 73 quốc gia, trong đó đang tăng nhanh tại các nước nhiệt đới như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore. Tính đến tháng 11-2016, Singapore đã có 446 trường hợp nhiễm Zika, Thái Lan 349 trường hợp, tại Việt Nam đến thời điểm này đã có 37 trường hợp, trong đó riêng TP Hồ Chí Minh có 29 người nhiễm.

Điều đáng nói, từ đầu năm 2016 đến cuối tháng 9-2016, toàn thành phố chỉ ghi nhận 5 trường hợp nhiễm Zika qua hệ thống tầm soát Zika đặt tại 30 bệnh viện trên địa bàn; thế nhưng, trong tháng 10 và tuần đầu tiên của tháng 11, TP Hồ Chí Minh đã phát hiện thêm 24 trường hợp, bình quân mỗi tuần có thêm 5 người nhiễm Zika. Trong tổng số 24 quận, huyện của thành phố đã có 11 nơi phát hiện có người nhiễm vi rút Zika gồm các quận 2, 4, 5, 9, 10, 12, Bình Thạnh, Tân Phú, Bình Tân và huyện Cần Giờ, Hóc Môn.

Theo PGS.TS Phan Trọng Lân - Giám đốc Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, vi rút Zika lây lan qua muỗi đốt, truyền máu và quan hệ tình dục. TP Hồ Chí Minh là vùng khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, tạo điều kiện cho muỗi vằn - là loại muỗi truyền sốt xuất huyết và vi rút Zika đến cho người dân trên địa bàn. Để giảm dịch bệnh Zika lây lan, chỉ có cách triệt tiêu sự sinh sôi nảy nở của muỗi.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, để phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika, thành phố đã ứng dụng hệ thống GIS (hệ thống thông tin địa lý) để khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh; đồng thời đẩy mạnh thực hiện công tác truyền thông sâu rộng đến 322 xã, phường của toàn thành phố. Hiện nay, khi có ca bệnh nghi ngờ, thành phố sẽ không chờ kết quả xét nghiệm (vì kết quả xét nghiệm mất 5-7 ngày), Ngành Y tế sẽ tiến hành cho phun hóa chất diệt muỗi và vận động người dân cùng làm sạch môi trường. Tới đây, ngành chức năng sẽ triển khai phun hóa chất diệt muỗi diện rộng ở những phường có ca bệnh từ 2 đến 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần.

Nỗ lực đối phó với vi rút Zika ảnh 1 trong tháng 10 và tuần đầu tiên của tháng 11, TP Hồ Chí Minh đã phát hiện thêm 24 trường hợp, bình quân mỗi tuần có thêm 5 người nhiễm Zika

Tăng cường theo dõi, chăm sóc các thai phụ

Người bệnh nhiễm vi rút Zika thường sẽ tự khỏi sau 5-7 ngày, nhưng đối với người mang thai dưới ba tháng tuổi bị nhiễm bệnh có thể gây ra biến chứng dị tật đầu nhỏ cho con. Tại TP Hồ Chí Minh, trong 29 trường hợp mắc Zika thì có 5 phụ nữ mang thai, trong đó có 2 thai phụ nhiễm Zika khi thai kỳ dưới ba tháng. Có một trường hợp đã sẩy thai sau khi phát hiện nhiễm Zika một tháng. Các thai phụ còn lại mới phát hiện trong thời gian gần đây đang được Ngành Y tế giám sát.

Hiện, Ngành Y tế thành phố đang tập trung tuyên truyền, tư vấn cho thai phụ tại các bệnh viện chuyên khoa sản hiểu rõ bản chất của vi rút Zika. Sở Y tế đã giao nhiệm vụ giám sát thai phụ cho Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Hồ Chí Minh thực hiện. Theo bác sĩ Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện đã xây dựng quy trình tư vấn liên quan đến Zika và đang gấp rút hoàn thành công tác chẩn đoán, tiêu chuẩn xác định dị tật đầu nhỏ.

Tại Bệnh viện Hùng Vương, bác sĩ Nguyễn Vũ Mỹ Linh - Trưởng khoa Khám bệnh nói: "Nếu phát hiện thai phụ mang bầu dưới ba tháng nhiễm Zika chúng tôi sẽ cách ly bệnh nhân và theo dõi. Khi thai lớn hơn, bệnh viện sẽ có thể chọc ối xét nghiệm, kết hợp siêu âm mỗi tuần 2 lần để đo đường kính lưỡng đỉnh của thai nhi để theo dõi tình trạng não nhỏ để tư vấn cho sản phụ".

Các chuyên gia y tế cho rằng, thực tế, dị tật đầu nhỏ không phải do riêng vi rút Zika gây ra, mà do nhiều di chứng khác trong quá trình mang thai của người mẹ ảnh hưởng đến thai nhi. Ở Việt Nam, khả năng trẻ bị dị tật đầu nhỏ vì nhiễm vi rút Zika từ mẹ là rất nhỏ.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, trong thời điểm này các thai phụ có triệu chứng nghi ngờ nhiễm Zika như sốt, đau cơ, viêm kết mạc, cần phải đến các bệnh viện chuyên khoa sản để được theo dõi. Các thai phụ không được tự ý siêu âm vòng đầu tại các cơ sở thiếu uy tín, cũng như không tự ý chấm dứt thai kỳ khi chưa được sự đồng ý tư vấn từ các bác sĩ sản phụ và hội đồng chuyên môn của các bệnh viện chuyên khoa sản.

Theo Hà Nội mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.