Nỗi khổ của khách hàng căng băng rôn đòi nhà ngày giáp Tết

(Ngày Nay) -Thời hạn bàn giao căn hộ đã trôi qua nhưng những toà nhà của dự án Bright City vẫn trơ khung bê tông xám xịt. Hàng trăm khách hàng từng kỳ vọng có thể đón Tết Mậu Tuất trong ngôi nhà mới thì giờ thất vọng tràn trề vì công trường vắng tanh và không biết đến khi nào dự án mới hoàn thành.
 
Cư dân Bright City căng băng rôn phản đối chủ đầu tư
Cư dân Bright City căng băng rôn phản đối chủ đầu tư

Đã hai cái Tết trôi qua, năm nào chị Lê Ái cũng mong ngóng sớm được đón năm mới trong căn hộ mà gia đình đã tích cóp và vay mượn để mua tại dự án Bright City. Chị mừng vì đây là dự án nhà ở xã hội nên giá chỉ hơn chục triệu mỗi m2, rẻ hơn khá nhiều so với những dự án thương mại ở khu vực lân cận. Càng gần Tết, niềm mong mỏi có nhà của những người lao động nghèo xa quê như chị càng nhiều hơn bao giờ hết.

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Lẽ ra, vào giờ này, gia đình chị Ái có thể tất bật trang hoàng nhà cửa để đón Tết Mậu Tuất trong căn nhà mới. Nhưng thay vào đó, chị cùng nhiều khách hàng mua nhà tại dự án Bright City lại phải ra đường căng băng rôn đòi chủ đầu tư sớm hoàn thiện dự án và bàn giao nhà. 

Khách hàng chờ đợi trong vô vọng

Trái ngược với sự mong ngóng từng ngày của khách hàng, tiến độ của dự án nằm trên mặt đường Quốc lộ 32, thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội, lại chậm như rùa. Những khách hàng như chị Ái càng mong đợi bao nhiêu thì càng thất vọng bấy nhiêu vì dự án gần như đã ngừng thi công từ hơn nửa năm nay.

Chị Ái kể, chủ đầu tư cam kết sẽ bàn giao nhà cho khách hàng vào quý 4/2017, nhưng đến nay, toàn bộ bốn tòa nhà của dự án vẫn đang nằm bất động sau khi đã đổ xong khung bê tông. Hầu như không có tín hiệu nào cho thấy dự án sẽ tiếp tục thi công khiến các khách hàng càng nóng ruột.

"Gia đình tôi và hầu hết người dân mua nhà tại dự án Bright City đều là những người lao động có thu nhập thấp đang làm việc tại Hà Nội. Do nhu cầu cần chỗ ở, chúng tôi đã quyết định mua nhà tại dự án này bởi mức giá rẻ và được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng qua gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng", chị Ái tâm sự.

"Có bao nhiêu tiền tích cóp, kể cả vay mượn người thân, vay ngân hàng, chúng tôi đều dồn cả vào dự án với hy vọng sớm có được một nơi an cư ổn định. Thế nhưng, việc dự án đắp chiếu chưa biết đến ngày nào mới có thể khởi công trở lại đang khiến cư dân chúng tôi rất lo lắng", chị Ái phân trần.

Cũng ở trong tình cảnh "khóc dở mếu dở" là Duy H khi anh bức xúc chia sẻ: "Với đồng lương ít ỏi hàng tháng của cả hai vợ chồng chỉ trên dưới 10 triệu đồng, chúng tôi vừa phải trang trải cho cuộc sống hàng ngày, tiền thuê nhà khoảng 2 - 3 triệu/tháng, tiền con cái học hành, tiền sinh hoạt phí, vừa phải “cõng” trên lưng gánh nặng lãi suất ngân hàng do vay tiền mua nhà tại dự án (khoảng 4 - 6 triệu/tháng tuỳ từng gia đình). Điều này là quá sức đối với những người dân có thu nhập thấp như chúng tôi." 

Theo anh H, hiện có đến 80% người mua nhà tại dự án Bright City đã đóng đến 70% giá trị căn hộ. Trong khi đó, dự án đang dừng thi công nhưng khách hàng vẫn phải trải tiền lãi ngân hàng đầy đủ, định kỳ hàng tháng, đẩy người dân vào hoàn cảnh "một cổ hai tròng", tiến thoái lưỡng nan.

"Tết năm nay, lại một năm nữa gia đình tôi không có được một niềm vui trọn vẹn khi kinh tế gia đình ngày một kiệt quệ do phải trả lãi ngân hàng. Trong khi đó, niềm hy vọng có nhà vẫn chưa biết khi nào mới có thể trở thành hiện thực", một khách hàng khác than thở.

Dự án Bright City do Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư. Dự án này trước đây có mục đích xây nhà ở thương mại nhưng do thị trường bất động sản khủng hoảng và không bán được nên bế tắc, buộc chủ đầu tư xin phép chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội.

Đây là một trong những dự án nhà ở xã hội được UBND TP. Hà Nội phê duyệt phương án chuyển đổi theo Quyết định số 964/QĐ-UBND ngày 14/2/2014. Dự án gồm bốn tòa nhà cao 35 tầng với tống số 1.496 căn hộ, trong đó 80% là nhà ở xã hội, còn lại là nhà ở thương mại. Khách hàng mua nhà tại dự án này sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãi thuộc gói 30.000 tỷ tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Hà Nội. Ngân hàng này cũng cam kết tài trợ 1.100 tỷ đồng để chủ đầu tư triển khai xây dựng dự án.

Nhờ nguồn vốn tài trợ của ngân hàng nên Bright City được khởi công từ 11/2014 và chủ đầu tư cam kết sẽ hoàn thành việc xây dựng và bàn giao nhà vào tháng 12/2017.

Tuy nhiên, sau khi gói 30.000 tỷ kết thúc vì dự án cũng hết vốn và bất động. Cực chẳng đã vì chủ đầu tư liên tục lỗi hẹn bàn giao, sáng ngày 3/2 vừa qua, rất nhiều người mua nhà của dự án Bright City đã không quản ngại cái lạnh 10 độ C, đồng loạt xuống đường căng băng rôn phản đối chủ đầu tư. 

Trước sức ép của những người mua nhà tại dự án, đại diện chủ đầu tư là Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long đã có ba buổi làm việc để giải trình về tiến độ dự án. 

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, đã qua thời điểm bàn giao nhà nhưng chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện được công trình để bàn giao. Hoạt động xây dựng vẫn chưa được triển khai, dàn giáo xây dựng cũng như máy móc thiết bị, công nhân dần được rút khỏi công trường.

Nỗi khổ của khách hàng căng băng rôn đòi nhà ngày giáp Tết ảnh 1 Dự án Bright City chưa biết đến khi nào mới hoàn thành

Theo khảo sát thực địa của phóng viên tại dự án Bright City, hiện tại, có hai toà nhà đã xây bao tường ngoài từ tầng 20 đến tầng 35, chưa xây phần ngăn vách chia căn hộ và đã hoàn toàn dừng hẳn việc thi công. Hai toà nhà khác đang thi công cầm chừng vì số lượng công nhân làm tại công trường rất cũng hạn chế.

Nỗi khổ của chủ đầu tư

Trao đổi với TheLEADER, ông Bùi Viết Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long đã nhận trách nhiệm trong việc chậm tiến độ dự án trong thời gian qua.

Lý do được ông Sơn đưa ra là do thiếu vốn. Việc gói 30.000 tỷ hết hạn khiến dự án không có khách hàng mua, ngân hàng không giải ngân thêm tiền nên chủ đầu tư không có vốn đối ứng để tiếp tục triển khai dự án.

Theo ông Sơn, để giải cứu dự án này, chủ đầu tư đã "gồng mình" vay ngân hàng với lãi suất thương mại để mọi cách để bàn giao nhà cho khách hàng. Ông Sơn cho biết, dự kiến sau Tết chủ đầu tư sẽ triển khai dự án trở lại. Thời gian xây dựng và bàn giao nhà cho khách hàng sẽ chậm khoảng tám tháng so với cam kết của chủ đầu tư trước đó.

"Đây là cách duy nhất để giải cứu dự án trong bối cảnh hiện tại. Nếu chờ cơ chế chính sách thì không biết đến bao giờ. Bản thân chủ đầu tư cũng rất khó khăn. Chúng tôi vừa không có lãi, vừa có thể bị kiện, vừa mang tiếng xấu đối với người dân, trong khi chúng tôi không hề muốn như vậy", ông Sơn phân trần.

Theo ông Sơn, nhà ở xã hội có đặc thù là phụ thuộc vào chính sách, gần như toàn bộ khách hàng đều trông chờ vào việc hỗ trợ vay vốn ưu đãi để mua nhà. Vì thế, khi chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi không còn thì nhà ở xã hội có rất ít khách hỏi mua. 

Do đó, ông Sơn vẫn hy vọng Nhà nước sớm ban hành một dòng tín dụng để cho người nghèo có cơ hội mua nhà, cũng như tháo gõ khó khăn cho chủ đầu tư.

Được biết, Bright City không phải là dự án duy nhất "gặp nạn" khi gói 30.000 tỷ kết thúc hơn một năm nay. Theo đó, hàng nghìn người mua nhà ở xã hội đã gặp khó khăn về vốn khi các chương trình hỗ trợ mua nhà ở xã hội khác chưa thể triển khai.

Theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Lãi suất cho vay ưu đãi theo chương trình này trong năm 2017 là 4,8%/năm.

Tuy nhiên, cho đến nay Chính phủ vẫn chưa bố trí được nguồn tái cấp vốn từ ngân sách cho các ngân hàng thương mại như Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV tham gia chương trình này nên người dân vẫn chưa thể tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Với thực trạng như hiện tại, hy vọng về một nguồn vốn hỗ trợ từ Chính phủ và các ngân hàng đối người có thu nhập thấp mua nhà ở xã hội trong năm 2018 vẫn rất mơ hồ. Những người mua nhà tại dự án Bright City như chị Ái cũng vì thế không biết đến khi nào mới được đón Tết trong căn nhà mới mà họ đang mong ngóng từng ngày!

Theo TheLEADER

Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự án Luật được trình ở nghị trường
Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự án Luật được trình ở nghị trường
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường và ở tổ các Dự án Luật: Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
(Ngày Nay) - Khi tôi nghe thấy tin có người nào đó vừa mất đi, tin ấy với tôi như tiếng chuông thức tỉnh. Tiếng chuông đó là một lời nhắc nhở sâu sắc về sự mong manh của kiếp người.
Oai nghi của người tu hành
Oai nghi của người tu hành
(Ngày Nay) - Oai nghi cùng với chánh kiến và tịnh giới là ba yếu tố làm nên đạo hạnh - phẩm chất của tu sĩ Phật giáo, như cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, bậc am tường kinh luật luận đã từng nhấn mạnh.
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.