NSND Lệ Thủy: Tôi sinh ra trong cảnh nghèo nên đồng cảm với người khó khăn

(Ngày Nay) - NSND Lệ Thủy là nghệ sĩ cải lương phía Nam duy nhất được vinh danh tại giải thưởng Đào Tấn diễn ra tại Hà Nội vào trung tuần tháng 9-2024. Ngay hôm sau ngày nhận giải thưởng, bà đã lên đường cứu trợ bà con vùng lũ ở Lào Cai, Lạng Sơn, Bắc Ninh. Qua điện thoại, bà dành chút thì giờ trao đổi với chúng tôi về cảm xúc được vinh danh và ý nghĩa của việc thiện nguyện.
Chân dung NSND Lệ Thủy
Chân dung NSND Lệ Thủy

Cảm xúc của bà thế nào khi biết tin mình là nghệ sĩ cải lương miền Nam duy nhất được nhận giải Đào Tấn năm 2024, thưa bà?

NSND Lệ Thủy: Tôi rất xúc động và bất ngờ vì ban tổ chức đã âm thầm nghiên cứu từng cá nhân xứng đáng để tôn vinh chứ không có động thái báo trước. Bây giờ tôi cũng cao tuổi rồi, hoạt động nghệ thuật không còn sôi động như ngày xưa, nên không nghĩ mình còn cơ hội để được trao một giải thưởng nào nữa. Hôm trước, sau chuyến lưu diễn ở nước ngoài về, tôi được ban tổ chức thông báo được trao giải thưởng Đào Tấn trong năm nay. Tôi biết đây là một giải thưởng uy tín nên rất cảm động và vinh dự vì mình được vinh danh trong ý nghĩa thành tựu trọn đời, có nhiều sáng tạo và cống hiến phục vụ nhân dân.

Trong suốt 60 năm hoạt động sân khấu cải lương, bà từng nhận được rất nhiều giải thưởng danh giá, nếu có sự so sánh thì bà thấy giải thưởng nào là ý nghĩa nhất?

NSND Lệ Thủy: Đây là một câu hỏi khó trả lời trọn vẹn. Bởi vì, giải thưởng nào cũng có giá trị và ý nghĩa riêng. Tất cả đều cho tôi sự xúc động và trân trọng không thể so sánh. Tôi được biết Đào Tấn là một danh nhân văn hóa của Việt Nam. Ông là một soạn giả tuồng, nhà thơ xuất sắc của cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Giải thưởng Đào Tấn do Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc phối hợp tạp chí Văn Hiến Việt Nam tổ chức năm 2000. Trong hơn 20 năm, giải thưởng chỉ gián đoạn vài năm Covid-19. Những người được vinh danh tại giải này tiêu biểu gồm: GSTS Trần Văn Khê, nhạc sư Vĩnh Bảo, nhạc sĩ Thuận Yến, giáo sư Nguyễn Thuyết Phong, NSND Bạch Tuyết, GS.TS Thái Kim Lan. Tôi được đứng chung những tên tuổi lớn thế này thì quá là hạnh phúc. Tuy nhiên, điều mà tôi phải nhắc đến và mang ơn trọn đời, chính là tình yêu thương của khán giả dành cho tôi. Không có tình yêu đó, có lẽ tôi không có giải thưởng nào khác.

NSND Lệ Thủy: Tôi sinh ra trong cảnh nghèo nên đồng cảm với người khó khăn ảnh 1

NSND Lệ Thủy là nghệ sĩ cải lương phía Nam duy nhất được vinh danh tại giải thưởng Đào Tấn diễn ra tại Hà Nội.

Sau khi nhận giải, bà cùng đoàn lên vùng lũ lụt gồm Lạng Sơn, Lào Cai, Bắc Ninh cứu trợ bà con những gì, thưa bà?

NSND Lệ Thủy: Theo chương trình đã định, tôi sẽ cùng mọi người đến tận từng thôn bản bị thiệt hại nặng nề để trao bò, heo, gà cho các hộ dân bị mất hết tài sản quay lại việc chăn nuôi, khắc phục hậu quả lũ lụt. Ở những điểm khác, chúng tôi trao thức ăn, quần áo và tiền mặt. Đó là tiền quỹ của đoàn. Ngoài ra, tôi cũng góp riêng từ tiền cá nhân ở những trường hợp mà tôi thấy cần giúp. Hơn lúc nào hết, ngay bây giờ bà con khu vực Tây Bắc cần sự sẻ chia. Tôi cao tuổi đi không được nhiều nhưng vẫn cố gắng hết sức có thể.

Được biết từ hồi mới thành danh, bà đã tham gia công việc thiện nguyện. Bà có thể cho độc giả biết nguyên nhân của nghĩa cử đẹp này xuất phát từ đâu?

NSND Lệ Thủy: Tôi sanh ra trong một gia đình rất nghèo và đông anh em tại tỉnh Vĩnh Long. Là chị cả của 7 đứa em nheo nhóc nên từ nhỏ tôi đã đi làm thuê làm mướn phụ ba má tôi nuôi em. Chị em chúng tôi từng trải qua bữa đói bữa no nên tôi hiểu được nỗi buồn của cảnh khó khăn. Tôi may mắn nhận được ơn cuộc đời từ những người thầy dạy hát như thầy Tư Long, thầy Năm Truyền, thầy Tám Đen, các bầu show và khán giả. Từ sự chỉ dạy tận tình của các thầy, sự chào đón của các ông bà bầu mà tôi có cơ hội bước vô nghề hát và thành danh, kiếm được tiền, thay đổi cuộc đời. Cái ơn mà cuộc đời dành cho tôi rất nhiều nên tôi thấy mình cần phải trả ơn khi có dịp.

NSND Lệ Thủy: Tôi sinh ra trong cảnh nghèo nên đồng cảm với người khó khăn ảnh 2

NSND Lệ Thủy song ca với ca sĩ Như Quỳnh

Bà có thể lược lại vài công việc từ thiện mà bà đã làm từ xưa đến nay, thưa bà?

NSND Lệ Thủy: Thật khó cho tôi. Làm thiện nguyện là hành động tự nhiên như là cơm ăn áo mặc hàng ngày thì làm sao mà nhớ cho nổi. Nhưng nếu bạn muốn biết thì tôi nhớ đến đâu kể đến đó. Hàng năm, vào mùa giỗ tổ sân khấu tôi đều gửi tiền ủng hộ các đoàn cải lương, hát bội nghèo ở miền Trung. Dịp tết tôi thường tổ chức trao quà tiền cho anh chị em nghệ sĩ nghèo, bệnh tật nói chung và đoàn Kim Chung cũ nói riêng. Trước đây, tôi cùng NSND Minh Vương tổ chức chương trình Sân khấu vàng, tất cả doanh thu dùng để xây nhà cho bà con nghèo ở miền Tây. Tổng số nhà được tặng khoảng 40 căn. Còn những việc khác tôi không thể nhớ hết.

Hiện tại ở tuổi 76, bà vẫn còn sức khỏe để đi hát đều đặn, trong khi nhiều đồng nghiệp trẻ hơn bà đã ngã bệnh và bỏ nghề. Bà có bí quyết gìn giữ sức khỏe gì và có thể chia sẻ với mọi người?

NSND Lệ Thủy: Nghệ sĩ cải lương vào độ tuổi của tôi mà vẫn còn hát được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bản thân tôi cũng đã muốn chia tay sân khấu rồi, nhưng khán giả còn thương, còn yêu cầu nên tôi vẫn còn có động lực. Tôi may mắn được mời tham gia hầu như tất cả các chương trình cải lương vinh danh nghệ sĩ lừng lẫy một thời mà một số ít bầu show tổ chức. Hàng tuần, tôi vẫn còn trình diễn ở các hội chợ lớn, hoặc các chương trình truyền hình. Tuy nhiên, gần đây, bác sĩ có khuyên tôi nên gìn giữ sức khỏe nên tôi chỉ chọn chương trình nào phù hợp, chứ không còn hát dày đặc như trước. Cách gìn giữ sức khỏe của tôi đơn giản là đi ngủ lúc 22 giờ, dậy lúc 5 giờ. Tôi tập đi bộ nhẹ. Tôi quan trọng chế độ ăn uống. Mỗi bữa ăn, tôi ăn rất ít nhưng tôi ăn nhiều bữa trong ngày. Hạn chế những món ăn quá nhiều dầu mỡ, đường và muối. Đơn giản vậy thôi.

NSND Lệ Thủy: Tôi sinh ra trong cảnh nghèo nên đồng cảm với người khó khăn ảnh 3

NSND Lệ Thủy cùng NSƯT Thoại Mỹ và NSND Thoại Miêu

Tết là dịp nghệ sĩ cải lương đắt show, kế hoạch diễn tết năm 2025 của bà ra sao, mong bà tiết lộ để khán giả yêu thương bà biết để đến thưởng thức?

NSND Lệ Thủy: Nghệ sĩ cải lương rất ngẫu hứng nên ít khi có kế hoạch chính xác từ sớm. Có khi gần sát ngày bầu show mới gọi, nếu tôi thấy thuận tiện thì tham gia, không thì từ chối. Mà đúng như bạn nói, Tết là dịp chúng tôi hát rất nhiều và kéo dài qua lễ kỳ yên của tháng giêng. Có một nơi mà tôi thường xuyên hát là Miếu bà chúa xứ núi Sam Châu Đốc.

Cảm ơn bà về buổi trò chuyện và chúc bà luôn khỏe mạnh, bình an!

NSND Lệ Thủy năm nay 76 tuổi, vào nghề hát cải lương từ năm 13 tuổi. Bà có giọng hát kim pha thổ rất đặc thù và lối diễn xuất duyên dáng, mặn mà. Trong giai đoạn đầu sự nghiệp, bà từng hát cặp với các kép tài danh như Minh Phụng, Minh Vương và gây tiếng vang lớn. Bà được báo chí ưu ái gọi biệt danh “cô đào ngoại hạng”. Bà từng nhận giải Thanh Tâm 1964, giải Kim Khánh 1974, và giải Mai Vàng 2008, 2009. Sau này, bà hát đôi với NSND Trọng Hữu cũng để lại dấu ấn đậm nét. Các vở tuồng lớn mà NSND Lệ Thủy tham gia gồm: Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt và nhiều tuồng khác.

TIN LIÊN QUAN
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.