"Dữ liệu cho thấy các hoạt động kinh doanh trong nước đang phục hồi, nhưng nguy cơ về làn sóng lây nhiễm nCoV thứ hai một lần nữa đe dọa tới tâm lý người tiêu dùng", Bruce Leng, lãnh đạo ban nghiên cứu vĩ mô tại ngân hàng đầu tư Hoa Hưng của Trung Quốc, hôm 15/6 nói.
Lực lượng an ninh đứng gác trước cửa chợ Tân Phát Địa tại Bắc Kinh. - Ảnh: AFP. |
Sau hơn 50 ngày không có ca lây nhiễm nCoV nào ở Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc hôm 11/6 báo cáo ca nhiễm đầu tiên liên quan đến chợ đầu mối nông sản Tân Phát Địa ở ngoại ô thành phố, cách Quảng trường Thiên An Môn ở trung tâm Bắc Kinh khoảng 14 km về phía tây nam.
Đến nay, số ca nhiễm liên quan cụm dịch này đã lên gần 160. Chợ Tân Phát Địa bị đóng cửa, trong khi nhiều khu vực ở thủ đô Bắc Kinh bị đặt vào "tình trạng thời chiến", với các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt được tái áp đặt.
"Vì Tân Phát Địa là chợ nông sản lớn nhất ở phía bắc Trung Quốc, việc nó bị đóng cửa sẽ khiến giá cả thực phẩm leo thang và giáng đòn vào ngành kinh doanh nhà hàng", Dan Wang, nhà phân tích tại Economist Intelligence Unit (EIU), đánh giá. "Chính phủ thiếu chính sách rõ ràng về cách các thành phố và người dân nên phản ứng thế nào khi dịch tái bùng phát".
"Cơn khủng hoảng vì dịch bệnh (ở Bắc Kinh) sẽ làm chậm tốc độ mở cửa trở lại ở những thành phố khác, làm suy yếu lòng tin của người tiêu dùng và khiến thất nghiệp trở nên trầm trọng hơn", Wang nói.
EIU tuần trước đưa ra một báo cáo dự đoán tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị Trung Quốc năm nay là 10% và doanh số bán lẻ sẽ sụt giảm 8%.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chứng kiến bước sụt giảm 6,8% trong quý một năm nay vì Covid-19. Dịch bệnh bùng phát từ cuối năm ngoái tại thành phố Vũ Hán, sau đó xuất hiện gần như khắp toàn cầu, khiến hơn 8,4 triệu người nhiễm, hơn 450.000 người tử vong.
Dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát ở Trung Quốc từ giữa tháng ba và chính quyền nước này tới cuối tháng 5 quyết định rằng tình hình đã đủ an toàn để tiến hành kỳ họp quốc hội thường niên ở Bắc Kinh.
Việc hàng nghìn đại biểu tập trung về thủ đô họp quốc hội truyền đi thông điệp rằng cuộc sống đã sẵn sàng trở lại bình thường, học sinh có thể quay trở lại trường học và các hoạt động xã hội như văn hóa nghệ thuật, thể thao, có thể được tổ chức với quy mô tăng dần.
Vũ cảnh Trung Quốc canh gác trước chợ Tân Phát Địa ở Bắc Kinh. - Ảnh: Reuters. |
Nhưng ổ dịch bất ngờ xuất hiện tại Bắc Kinh đã trì hoãn tất cả các kế hoạch được đề ra. Số liệu kinh tế quốc gia Trung Quốc tháng 5 cho thấy doanh số bán lẻ đã giảm 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, kết quả sản xuất của các nhà máy cũng rất đáng thất vọng.
Cuối tuần trước, ban lãnh đạo Bắc Kinh tuyên bố thành phố đã bước vào một "giai đoạn đặc biệt" và bắt đầu tiến hành xét nghiệm nCoV cho hàng nghìn người sống lân cận khu chợ Tân Phát Địa cùng những người tiếp xúc gần với họ.
Nhà chức trách cũng tái áp đặt một số biện pháp hạn chế trên khắp thành phố, chỉ vài tuần sau khi chúng được gỡ bỏ. Nhiều phòng gym lại đóng cửa. Các khu chung cư lại ráo riết kiểm tra nhiệt độ người ra vào.
Ít nhất 29 địa phương ở những khu vực khác của Trung Quốc thông báo sẽ cách ly người đến từ Bắc Kinh, đặc biệt là tại các quận nguy cơ cao, theo truyền thông nhà nước.
Ổ dịch Bắc Kinh tái bùng phát tiếp tục giáng đòn vào chi tiêu tiêu dùng, vốn là một nguồn lực tăng trưởng chính của Trung Quốc.
Công ty tư vấn Oliver Wyman dự đoán thị trường may mặc Trung Quốc, với giá trị 370 tỷ USD, lớn nhất thế giới, sẽ thiệt hại 60 tỷ USD trong năm nay do ảnh hưởng từ Covid-19. Nghiên cứu cho thấy người tiêu dùng bị giảm thu nhập sẽ chọn mua đồ rẻ hơn và ít hơn.
Trung Quốc đã công bố hàng loạt biện pháp nhằm thúc đẩy chi tiêu, vốn được coi là biểu hiện trực tiếp của nhu cầu về một cuộc sống tốt hơn và là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển chất lượng cao của nền kinh tế. Bắc Kinh hồi đầu tháng thông báo sẽ phát hàng tỷ phiếu mua hàng trị giá 1,74 tỷ USD trên trang thương mại điện tử JD.com, song chưa rõ tác động của nó tới chi tiêu xã hội như thế nào.
Doanh số bán lẻ của Bắc Kinh đã giảm 21,5% trong ba tháng đầu năm 2020, cao hơn mức giảm trung bình 19% trên toàn quốc.
Dữ liệu quốc gia ngày 15/6 cho thấy bước sụt giảm doanh số bán lẻ trong tháng 5 nhưng doanh số trực tuyến đối với hàng tiêu dùng lại tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Yu Song, chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs, cho rằng giới chức Bắc Kinh đã có những hành động nhanh chóng để kiểm soát tình hình. "Nhưng những hành động này đi liền với cái giá phải trả về kinh tế, và điều quan trọng hơn là cảm xúc của người dân cũng bị ảnh hưởng", Yu nói.
Người dùng mạng xã hội Trung Quốc nhanh chóng chỉ ra một thực tế rằng dù số ca nhiễm mới tăng ở mức hai con số trong nhiều ngày liên tiếp, Bắc Kinh vẫn không bị phong tỏa toàn thành phố. Cụm từ "phong tỏa Bắc Kinh" được chia sẻ rộng rãi trên Weibo hôm 16/6.
"Phong tỏa Vũ Hán thì OK, phong tỏa Thư Lan cũng OK, sao Bắc Kinh không thể bị phong tỏa? Có đặc quyền nào ở đây ư", tài khoản Liwupu viết trên Weibo. Tài khoản Gundongdeqiu thì cho rằng đây đơn giản là "sự bất công mang màu sắc Trung Quốc".
Tuy nhiên, Zhou Xun, chuyên gia về lịch sử hiện đại tại Đại học Essex, cho rằng giới chức Trung Quốc có thể dễ dàng phong tỏa các thành phố khác, nhưng việc phong tỏa Bắc Kinh, nơi có các cơ quan đầu não quốc gia, là "không thể" bởi vị thế mang tính biểu tượng chính trị của nó.
"Bắc Kinh rất khác", giáo sư Zhou nói. "Bắc Kinh là trung tâm chính trị của Trung Quốc. Bất cứ bước sẩy chân nào ở Bắc Kinh cũng sẽ hủy hoại hình ảnh toàn cầu của Trung Quốc".
Giáo sư này cho rằng đợt bùng phát dịch ở Bắc Kinh vốn dĩ đã thách thức tuyên bố "dập dịch thành công" của Trung Quốc và đặt ra thử thách chính trị thực sự với các lãnh đạo Trung Quốc, bên cạnh những khó khăn về kinh tế mà nó tạo ra.
"Dù kinh tế Trung Quốc khó có thể bất ngờ đình trệ vì ổ dịch Bắc Kinh, triển vọng tăng trưởng chắc chắn sẽ ảm đạm hơn do đợt bùng phát này", Zhou Hao, chuyên gia kinh tế tại Commerzbank, nhận định. "Bởi vậy, sự phục hồi hình chữ V của Trung Quốc chắc chắn là còn rất xa vời".