Các sắc lệnh nhằm mục đích bảo tồn 30% đất đai và vùng biển của nước Mỹ trong 10 năm tới, tăng gấp đôi năng lượng gió ngoài khơi và bổ sung xe điện vào dàn xe công vụ,... Kế hoạch sâu rộng của Tổng thống Biden nhằm ngăn chặn kịch bản tồi tệ nhất của tình trạng ấm lên toàn cầu do đốt nhiên liệu hóa thạch.
"Chúng ta không thể chờ đợi thêm nữa", ông Biden cho biết hôm thứ Tư tại Nhà Trắng. ”Chúng ta tận mắt chứng kiến. Chúng ta biết điều đó trong xương tủy của mình. Đã đến lúc phải hành động".
Tổng thống Biden cho biết các sắc lệnh của mình sẽ "tăng cường kế hoạch đầy tham vọng của chính quyền để đối đầu với mối đe dọa hiện hữu của biến đổi khí hậu."
Chính phủ Mỹ đã đặt mục tiêu loại bỏ ô nhiễm từ nhiên liệu hóa thạch trong ngành điện vào năm 2035 và khỏi nền kinh tế Hoa Kỳ nói chung vào năm 2050, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng năng lượng mặt trời và gió theo định hướng thị trường cũng như giảm bớt sự phụ thuộc của đất nước vào dầu và khí đốt.
Kế hoạch tích cực này nhằm mục đích làm chậm sự nóng lên toàn cầu vốn đang làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như cháy rừng chết người ở bờ Tây, mưa lớn và bão ở bờ Đông.
Biden thừa nhận rủi ro chính trị khi ủng hộ các chính sách bảo vệ môi trường, nhưng tuyên bố cách tiếp cận của ông sẽ tạo ra nhiều việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và ô tô để bù đắp bất kỳ tổn thất trong các ngành khai thác dầu, than hoặc khí đốt tự nhiên.
“Khi tôi nghĩ về biến đổi khí hậu, giải pháp chính là tạo việc làm”, ông Biden nói. “Đây không phải là những giấc mơ xa vời. Đây là những giải pháp cụ thể có thể thực hiện và chúng tôi biết cách làm điều này".
Chính quyền Biden cam kết tạo ra “hàng triệu công việc được trả lương cao” trong lĩnh vực chế tạo ô tô điện, lắp đặt các tấm pin mặt trời và tuabin gió, đồng thời thực hiện các công việc chuyên môn để bịt các giếng dầu bị bỏ hoang, khôi phục các mỏ khai thác và biến các khu công nghiệp cũ “thành trung tâm mới của tăng trưởng kinh tế."
Tổng thống Biden cũng đang biến vấn đề môi trường trở thành ưu tiên an ninh quốc gia, chỉ đạo các cơ quan tình báo, quân đội nghiên cứu để chuẩn bị cho những rủi ro ngày càng cao.
Trước đó, cựu Tổng thống Donald Trump, người đã chế giễu hiện tượng biến đổi khí hậu, đã rút nước Mỹ khỏi Hiệp định khí hậu toàn cầu Paris, tạo điều kiện cho các công ty sản xuất than, khí đốt và dầu mỏ, đồng thời suy yếu quy định về phát thải nhiên liệu hóa thạch.
Hiện tại, 61% sản lượng điện của Mỹ đến từ khí đốt tự nhiên và than, 20% từ hạt nhân và 17% từ năng lượng gió, mặt trời và các năng lượng tái tạo khác, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết.