Đây không phải lần đầu tiên ông đạp xe một mình ở Hà Giang. Trước đó, ông từng đạp xe sang Mèo Vạc và thường đi xe ôm lên Lũng Cú. Theo ông Yasushi, đi bằng xe đạp rất chậm, có thể nhìn ngắm phong cảnh, nhất là mùa này có rất nhiều hoa. "Thích thú nhất là khoảnh khắc xe xuống rồi lên dốc, rất thoáng và thoải mái. Hơn nữa trên đường gặp nhiều bạn trẻ Việt Nam và phương Tây đi phượt. Mọi người đều động viên nên tôi thấy rất vui", ông chia sẻ.
Trần Tân là một trong nhiều bạn trẻ từng gặp ông Yasushi trên đường phượt. "Lần đó mình và bạn đang dừng tại một cánh đồng tam giác mạch, thì thấy bác đạp xe hướng từ Lũng Cú về Đồng Văn. Lúc ấy ngay đoạn dốc, bác phải dắt bộ. Cả nẻo đường Hà Giang mình chưa gặp ai vượt đèo bằng xe đạp, mà lại là một người lớn tuổi ngoại quốc nên thấy rất khâm phục", Tân nhớ lại.
Ông Yasushi Oguna thường gặp và nói chuyện với người Việt trẻ trên những cung đường phượt |
Ông Yasushi tới Hà Giang nhiều lần không chỉ bởi muốn ngắm cảnh đẹp nơi đây, mà còn vì tình yêu mãnh liệt ông dành cho mảnh đất cực Bắc này. Làm việc cho một công ty ở Tokyo, ông đến Việt Nam lần đầu năm 1995, và thường xuyên dành thời gian để du lịch dải đất hình chữ S. Hiện nghỉ hưu nhưng ông Yasushi đã đi hết các tỉnh ở miền Bắc, và nơi mà ông thích nhất chính là Hà Giang, đặc biệt là Đồng Văn với phong cảnh thiên nhiên rất độc đáo, phong tục văn hóa đa dạng.
Không dừng lại ở sở thích, ông Yasushi còn tìm cách giúp đỡ người dân địa phương tìm kế sinh nhai mà vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống độc đáo. Đó là mô hình quán cà phê cực Bắc - địa chỉ quen thuộc với nhiều dân phượt, nhà trình tường cho khách ở homestay tại thôn Lô Lô, xã Lũng Cú, do ông đầu tư tất cả hoặc một phần và người dân địa phương làm chủ.
Chia sẻ với VnExpress, ông Yasushi - người tự học và rất rành tiếng Việt, cho biết một trong những lý do ông chọn giúp đỡ người dân Lô Lô vì họ rất thân thiện, dễ gần, nói tiếng Kinh lưu loát nên giao tiếp được dễ dàng, trong khi người Mông ở đây lại không nói được nhiều. Hơn nữa, thôn Lô Lô lại có nhiều nhà trình tường cổ, gây ấn tượng mạnh với người đàn ông Nhật Bản này.
"Tôi muốn người dân bảo vệ được văn hóa truyền thống và nhà cổ. Nếu không làm gì thì những điều đó sẽ bị mai một. Tôi hy vọng quán cà phê do người dân Lô Lô mở trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn, qua đó họ có thể giới thiệu văn hóa của mình với khách nước ngoài và tự hào về truyền thống, phong tục của mình", ông bày tỏ.
Cùng đồng hành cùng người dân Lô Lô nhiều năm qua, ông Yasushi thừa nhận bảo vệ văn hóa truyền thống ở đây là điều rất khó do cuộc sống ngày càng phát hiện đại hóa, nhiều người xây nhà mới.
"Tôi phải nhắc nhở người dân rằng, nếu không còn nét văn hóa truyền thống thì không thể hút khách du lịch đến nữa. Quán cà phê và homestay có thể giúp chủ nhà có thêm thu nhập, kinh tế khá lên. Nhưng chỉ một số gia đình tốt lên thì không tốt lắm. Phải làm sao để khách du lịch đến Lô Lô làm cho kinh tế cả thôn tốt hơn. Giờ tôi vẫn đang tìm cách như bán rượu ngô, sản phẩm nông sản và thủ công", ông bộc bạch.