Việc kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng có thể nhận được sự tán thành của hơn chục nước sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC tại cuộc họp dự kiến vào chiều cùng ngày.
Để ứng phó tình trạng giá dầu thô thế giới giảm mạnh kể từ giữa năm 2014, các nước thành viên trong và ngoài OPEC đã ký thỏa thuận vào cuối năm 2016 nhằm cắt giảm sản lượng khai thác tổng cộng 1,8 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1/2017.
Cụ thể, các nước thành viên OPEC sẽ cắt giảm khai thác 1,2 triệu thùng/ngày, còn các nước ngoài OPEC, trong đó có Nga, cắt giảm 600.000 thùng/ngày. Việc cắt giảm thỏa thuận này đã đẩy giá dầu lên trên 50 USD/thùng so với mức thấp kỷ lục dưới 30 USD/thùng hồi năm ngoái.
Giá dầu giảm bắt đầu vào năm 2014 đã buộc Nga và Saudi Arabia thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng và gây ra bất ổn tại một số nước sản xuất dầu mỏ là Venezuela và Nigeria.
Tuy nhiên, giá dầu tăng trong năm nay đã thúc đẩy tăng trưởng trong ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ, nước không tham gia vào thỏa thuận cắt giảm sản lượng, và do vậy, làm chậm tiến độ điều chỉnh cân bằng giữa thị trường và dự trữ dầu thô toàn cầu hiện vẫn ở mức cao gần kỷ lục.
Chiều 25/5, giá dầu tại thị trường châu Á đã tăng lên. Vào lúc 13 giờ 51 phút giờ Việt Nam, tại Sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu thô Brent tăng 0,43 USD (0,8%) lên 54,39 USD/thùng. Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 0,38 USD (0,8%) lên 51,74 USD/thùng. Theo thống kê, cả hai mặt hàng này đều tăng hơn 16% so với mức thấp được ghi nhận trong tháng Năm.
Công ty tư vấn năng lượng, Wood Mackenzie dự báo việc OPEC gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng sẽ đẩy giá dầu Brent sẽ tăng lên mức 63 USD/thùng năm 2018. Mức giá bình quân của dầu Brent là 53,90 USD/thùng trong các tháng đầu năm nay./.