Ngọn đuốc Olympic dự kiến sẽ cập bến New Caledonia vào ngày 11/6 tới, tuy nhiên Bộ trưởng Thể thao Pháp Amelie Oudea-Castera nhấn mạnh “cần phải ưu tiên ổn định an ninh trật tự” tại vùng lãnh thổ này. Ông nêu rõ: “Xét bối cảnh hiện nay, tôi nghĩ mọi người đều hiểu ưu tiên thực sự sẽ là khôi phục trật tự công cộng và sau đó là xoa dịu lòng dân. Ưu tiên sự an toàn của người dân, ưu tiên sự bình tĩnh trở lại và ưu tiên cải thiện tình hình chính trị".
Tính đến ngày 18/5, các vụ bạo lực diễn ra suốt 6 ngày tại New Caledonia đã khiến ít nhất 6 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương, nhiều ô tô và tòa nhà bị đốt phá.
Biểu tình và bạo lực nổ ra khi Hạ viện Pháp bỏ phiếu ủng hộ dự luật điều chỉnh một số quy định đối với vùng lãnh thổ hải ngoại này. Theo đó, cư dân Pháp đã sinh sống tại New Caledonia 10 năm có quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử cấp tỉnh. Một số lãnh đạo địa phương cho rằng điều này có thể ảnh hưởng đến phiếu bầu của người Kanak bản địa - chiếm khoảng 41% dân số New Caledonia.
Khoảng 1.000 binh sĩ và cảnh sát Pháp trang bị vũ khí hạng nặng đã được điều động tới thủ phủ Noumea của New Calodenia để phối hợp cùng lực lượng sở tại tuần tra, trấn áp những người biểu tình quá khích và lập lại trật tự an ninh công cộng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi đối thoại cùng các bên liên quan tại New Calodenia về kế hoạch cải cách hiến pháp. Tuy nhiên, Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết các nỗ lực đàm phán cho đến nay vẫn gặp khó khăn.
Một nhóm doanh nghiệp tại New Calodenia ước tính thiệt hại từ cuộc bạo loạn hiện nay là 200 triệu euro (tương đương 217 triệu USD) và thiệt hại đối với danh tiếng của quần đảo này có thể còn lớn hơn. Du lịch là nguồn thu lớn cho New Caledonia. Tuy nhiên, hơn 3.200 khách du lịch đã bị mắc kẹt trong hoặc ngoài quần đảo do sân bay quốc tế Noumea đóng cửa.