Pháp kêu gọi cần một 'quân đội châu Âu thực sự' chống lại Nga và Mỹ

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng châu Âu cần phải có khả năng tự bảo vệ mình tốt hơn, tránh phụ thuộc vào Mỹ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (bìa phải). Ảnh: RE
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (bìa phải). Ảnh: RE

Sky News ngày 6/11 dẫn lời ông Emmanuel Macron cho rằng, một “quân đội châu Âu thực sự” là cần thiết để bảo vệ châu lục này chống lại Nga và thậm chí là cả Mỹ.

Trên thực tế, Tổng thống Pháp đã thúc đẩy một lực lượng quân sự trong Liên minh châu Âu kể từ khi ông lên nắm quyền. Theo kế hoạch, hôm nay (7/11), Bộ trưởng Quốc phòng của 9 nước châu Âu sẽ gặp nhau ở thủ đô Paris của Pháp để lần đầu tiên thảo luận về kế hoạch thành lập một lực lượng quân đội chung và cách thức hoạt động của lực lượng này.

“Chúng ta phải bảo vệ chính mình trước Trung Quốc, Nga và thậm chí là cả Mỹ”, Tổng thống Macron trả lời Đài Phát thanh châu Âu 1.

Ông Macron, người được bầu làm Tổng thống Pháp từ tháng 5/2017 đồng thời nói rằng, châu Âu cần ít phụ thuộc vào Mỹ hơn.

Phát biểu của ông Macron được cho là một phần xuất phát sau quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi một hiệp ước hạt nhân thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Hôm 20/10 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký năm 1987, với lý do Nga vi phạm thỏa thuận. Chính phủ Nga đã bác bỏ những cáo buộc này, đồng thời chỉ trích Mỹ từ lâu đã tìm cách phá hoại văn kiện này.

“Khi tôi thấy Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng ông ấy đã quyết định rút Mỹ khỏi hiệp ước giải trừ hạt nhân lớn nhất sau cuộc khủng hoảng tên lửa châu Âu vào những năm 1980, nạn nhân chính là châu Âu và an ninh của châu lục này”, ông Macron nhấn mạnh.

Tổng thống Pháp nói thêm: “Chúng ta sẽ không bảo vệ được người dân châu Âu trừ khi chúng ta quyết định có một quân đội châu Âu thực sự. Chúng ta cần một châu Âu có thể tự bảo vệ bản thân tốt hơn chứ không chỉ phụ thuộc vào Mỹ”.

Bình luận của Tổng thống Macron được đưa ra cùng ngày xuất hiện thông tin cảnh sát Pháp vừa đập tan âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào ông. Theo đó, 6 người đã bị bắt giữ vì nghi ngờ lên kế hoạch tấn công bạo lực nhằm vào Tổng thống Macron. BBC dẫn nguồn tin tư pháp của Pháp cho biết, các đối tượng bao gồm 5 người đàn ông và 1 người phụ nữ, bị bắt ở vùng Moselle và Isere và khu vực miền Bắc Ile-et-Vilaine.

Lực lượng quân sự của 9 nước trong EU mà ông Macron kêu gọi thành lập sẽ có khả năng nhanh chóng phối hợp tiến hành hoạt động chung, sơ tán dân trong trường hợp xảy ra chiến tranh hoặc cung cấp viện trợ nhân đạo sau thảm họa.

EU có kế hoạch sẽ tăng ngân sách quốc phòng của liên minh từ năm 2021, phân bổ khoảng 13 tỷ euro trong vòng 7 năm để nghiên cứu và phát triển các thiết bị quân sự mới.  Đây là con số đáng kể nếu so sánh với khoảng 600 triệu euro trong ngân sách hiện tại của EU dành cho quốc phòng.

Nhận định về tuyên bố của Tổng thống Macron, Giáo sư Bruno Alomar tại Trường Chiến tranh Pháp, ngôi trường chuyên đào tạo các sĩ quan quân sự hàng đầu cho rằng, tầm nhìn của ông Macron về lực lượng phòng thủ châu Âu vẫn còn khá xa vời.

“Ý tưởng tạo ra một nền văn hóa chiến lược chung không phải là tồi. Tuy nhiên, có một khoảng cách lớn giữa tiềm lực và khả năng quốc phòng giữa các nước châu Âu và thực tế là có những bất đồng rất sâu sắc giữa các quốc gia trong liên minh”, giáo sư Bruno Alomar lưu ý.

Theo VOV
Cô Haruka Uto cùng 3 robot thú cưng AI. Ảnh: ABC News
Robot thú cưng AI - giải pháp cho "đại dịch cô đơn"
(Ngày Nay) - Haruka Uto sống một mình tại Tokyo (Nhật Bản) cùng một số người bạn lông xù, nhưng chúng không phải là thú cưng thông thường. Hai “vật nuôi” màu nâu và màu xám của cô thực chất là robot trí tuệ nhân tạo (AI) có tên Moflin.
Biểu tượng Tập đoàn công nghệ Mỹ OpenAI. Ảnh: AFP/TTXVN
Cuộc đua AI giữa Mỹ và Trung Quốc nóng lên với DeepSeek
(Ngày Nay) - Một cuộc rượt đuổi mới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) đang diễn ra, với sự xuất hiện của DeepSeek, một mô hình AI đầy hứa hẹn từ Trung Quốc, đang làm rung chuyển cán cân quyền lực với các đối thủ từ phương Tây.