Phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Theo Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), năm 2001, lần đầu tiên loại hình di sản văn hóa phi vật thể chính thức được quy định trong Luật Di sản văn hóa, tạo bước chuyển biến lớn trong nhận thức của toàn xã hội về di sản văn hóa phi vật thể. Thực hiện Luật Di sản văn hóa, cả nước có trên 410 di sản được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, một số di sản được UNESCO ghi danh.
Một buổi sinh hoạt của CLB Đờn ca tài tử xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu trong vườn nhãn trăm tuổi ở Bạc Liêu. Ảnh tư liệu: Minh Đức/TTXVN
Một buổi sinh hoạt của CLB Đờn ca tài tử xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu trong vườn nhãn trăm tuổi ở Bạc Liêu. Ảnh tư liệu: Minh Đức/TTXVN

Tạo sức sống mới cho di sản

Tại khu vực Nam Bộ, quá trình khai phá và định cư ở vùng đất phương Nam, các bậc tiền nhân đã để lại kho tàng di sản văn hóa, trong đó có nhiều di sản văn hóa phi vật thể, in đậm dấu ấn tự nhiên và lịch sử của vùng đất.

Di sản văn hóa phi vật thể ở các địa phương khu vực phía Nam gồm nhiều loại hình từ tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống đến phong tục, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian. Tiêu biểu là các di sản: Đờn ca tài tử Nam Bộ -Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ ở tỉnh An Giang, Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang, nghề làm sơn mài Tương Bình Hiệp, Bình Dương, nghề đóng xuồng ghe ở huyện Lai Vung, Đồng Tháp hay văn hóa Chợ nổi Cái Răng, thành phố Cần Thơ, nghề gác kèo ong, muối ba khía ở Cà Mau.

Tại các địa phương, nhiều di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích lịch sử, văn hóa đã trở thành sản phẩm du lịch thu hút khách trong và ngoài nước, tạo nên thương hiệu, dấu ấn riêng của địa phương có di sản như: Lễ hội Đua ghe ngo Sóc Trăng, Lễ hội Bà Chúa Xứ An Giang, Lễ hội Ook om bok Trà Vinh, Lễ hội Kate hay Gốm Chăm ở Bàu Trúc ở Ninh Thuận.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chính quyền các địa phương đã quan tâm công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể, góp phần nhận diện giá trị của kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, nhờ nhận diện được hiện trạng, sức sống của di sản để triển khai kịp thời đề án, dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã ngăn chặn nguy cơ mai một, thất truyền, góp phần tích cực trong bảo vệ bản sắc văn hóa tộc người. Các di sản văn hóa phi vật thể được sưu tầm nghiên cứu, phục dựng, trao truyền, tổ chức trình diễn thời gian qua đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở và phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Ngọc Thương cho biết, địa phương hiện có trên 20 di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống, lễ hội, trình diễn dân gian và ngữ văn dân gian, trong đó có một số di sản được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia là Nghề dệt chiếu ở các xã Định An, Định Yên (huyện Lấp Vò), nghề đóng xuồng, ghe ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung và nghệ thuật trình diễn dân gian hò Đồng Tháp. Cùng với các tỉnh, thành phía Nam, Đồng Tháp còn có nghệ thuật đờn ca tài tử - Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bảo tồn gắn với tạo sức sống mới cho di sản, lan tỏa việc thực hành di sản trong cộng đồng, Đồng Tháp đã triển khai nhiều hoạt động nhằm phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử và hò Đồng Tháp. Tỉnh nhân rộng mô hình các câu lạc bộ đờn ca tài tử, hò Đồng Tháp, thường xuyên tổ chức liên hoan, trình diễn, từng bước đưa hai loại hình nghệ thuật này vào chương trình giáo dục trong hệ thống trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông, Cao đẳng và Đại học trên địa bàn tỉnh. Đồng Tháp phát động sáng tác lời mới cho 20 bản tổ của Nhạc tài tử Nam Bộ và hò Đồng Tháp, đồng thời xây dựng hai loại hình nghệ thuật này trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng. Tỉnh phấn đấu giai đoạn 2024-2025, có 50-70% xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành lập Câu lạc bộ đờn ca tài tử và hò Đồng Tháp cấp xã.

Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khá phong phú. Tỉnh quan tâm xây dựng nhiều đề án bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể phục vụ các hoạt động mang lại lợi ích kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân và đối ngoại văn hóa. Tỉnh đã kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Kinh, Khmer và Hoa tại 139 xã, phường, thị trấn thuộc 15 huyện, thành phố trong tỉnh. Hiện nay, Kiên Giang có di sản phi vật thể thuộc các loại hình là lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, tiếng nói, chữ viết các dân tộc, ngữ văn dân gian, tri thức dân gian và nghề thủ công truyền thống. Trong đó, ngoài di sản nghệ thuật đờn ca tài tử cùng sở hữu với các tỉnh, thành khu vực Nam Bộ, Kiên Giang có di sản nghề làm nước mắm Phú Quốc được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, Lễ hội đình thần Nguyễn Trung Trực - thành phố Rạch Giá đang được lập hồ sơ đề nghị công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Kiên Giang triển khai Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh, giai đoạn 2018-2020, tiếp tục thực hiện Đề án giai đoạn 2021-2025 với trên 150 câu lạc bộ đờn ca tài tử, nhiều tổ, nhóm nhỏ, thường xuyên sinh hoạt. Mới đây nhất, tại Liên hoan nghệ thuật đờn ca tài tử quốc gia năm 2022 diễn ra vào cuối tháng 4/2022, tại thành phố Cần Thơ, hoạt động trưng bày và trình diễn không gian đờn ca tài tử của đoàn nghệ nhân tỉnh Kiên Giang đã giành được Huy chương Vàng.

Cần tháo gỡ khó khăn

Phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể ảnh 1
Giải đua ghe Ngo và tuần lễ hội Óc Om Bóc - Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer năm 2020.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, hiện nay, thách thức lớn nhất mà hầu hết các di sản văn hóa phi vật thể đều phải đối diện đó là có một bộ phận giới trẻ chưa cảm nhận hết giá trị của di sản do bị ảnh hưởng bởi các trào lưu mới nên ít tìm thấy sự say mê để theo học, thực hành. Trong khi đó, các nghệ nhân cao tuổi ngày càng già yếu, nhiều người đã mất, chưa kịp truyền thụ cho thế hệ trẻ. Một số địa phương, do điều kiện còn hạn chế, nên chưa có chính sách đãi ngộ mức độ cao đối với nghệ nhân để họ yên tâm thực hành nghề.

Từ thực tế ở địa phương, Nhạc sỹ Phạm Đắc Hiến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Dương chia sẻ, một trong những khó khăn cơ bản nhất đối với việc bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung, di sản văn hóa phi vật thể đờn ca tài tử nói riêng là đội ngũ những người đam mê, am hiểu nghệ thuật truyền thống ngày càng lớn tuổi, tức là lớp “tre” đã già nhưng lớp “măng” quá ít hoặc chưa có. Do đó, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc đến giới trẻ để ngày càng nhiều người trẻ yêu các loại hình nghệ thuật dân tộc...

Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang cho hay, di sản văn hóa phi vật thể là loại hình văn hóa được trao truyền chủ yếu bằng hình thức truyền miệng nên việc sưu tầm và thực hành di sản ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương chưa có kế hoạch cụ thể trong công tác bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Đội ngũ cán bộ, công chức văn hóa cơ sở phải kiêm nhiệm và phụ trách nhiều lĩnh vực cùng lúc nên việc nghiên cứu các văn bản quản lý Nhà nước nói chung và quy định của Luật Di sản văn hóa nói riêng chưa sâu sát.

Hiện nay, mô hình quản lý văn hóa cấp xã, phường còn thiếu sự thống nhất về chức năng, chế độ, chính sách, nội dung và kinh phí hoạt động cho công tác này do đó gặp nhiều khó khăn.

Trước thực tế này, tỉnh Kiên Giang kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch hỗ trợ các tỉnh, thành phố đào tạo, bồi dưỡng, từng bước chuẩn hóa trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người tham gia hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của từng loại thiết chế văn hóa, thể thao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tổ chức lớp bồi dưỡng, chuyên môn cho công chức phụ trách công tác quản lý nhà nước về hoạt động di sản văn hóa ở địa phương. Các cấp, ngành liên quan xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đủ sức hấp dẫn để kêu gọi đầu tư, khai thác các giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với đầu tư phát triển du lịch, làm cơ sở pháp lý cho địa phương áp dụng thực hiện đạt hiệu quả cao hơn, qua đó góp phần phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.