Đô thị hoá tăng nhanh
Năm 2019, ước tính dân số khu vực thành thị trong nước là hơn 33 triệu người, chiếm 34,4% dân số của cả nước. Dự báo tốc độ đô thị hóa của Việt Nam sẽ đạt mức 40% vào năm 2020, đồng nghĩa với nhóm dân số thành thị cũng sẽ tăng lên đến 46 triệu, tương đương khoảng 45% dân số cả nước.
Xu hướng đô thị hóa sẽ tiếp tục được mở rộng sang các thành phố nhỏ và vừa, kéo theo nhu cầu nhà ở tại các đô thị mới này cũng sẽ gia tăng mạnh, đồng thời kích cầu nhiều loại hình bất động sản thương mại phát triển. Dự kiến mỗi năm, Việt Nam phải xây mới khoảng 100 triệu m2 nhà ở, trong đó có khoảng 70% nhà ở đáp ứng nhu cầu của cư dân đô thị.
Việt Nam có tốc độ đô thị hóa ngày càng cao |
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế - tài chính TS. Lê Xuân Nghĩa, thu nhập dân cư của các tỉnh lẻ hiện đã tốt hơn rất nhiều. Họ có xu hướng thích sống trong các đô thị tổng hợp, có đủ các điều kiện sống như ngoài chọn một nơi ở, phải có công viên, siêu thị, trường học, khu vui chơi giải trí, thể thao, khu ẩm thực, văn hóa… Theo đó, các dự án đón đầu được xu hướng này chắc chắn sẽ có sự cạnh tranh tốt và thành công.
Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng đô thị của nhiều địa phương được đánh giá chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, dân số và nhu cầu BĐS của các cư dân thành thị do thiếu vắng các khu đô thị mới được quy hoạch bài bản, đồng bộ ngay từ đầu.
Bối cảnh này là động lực để các doanh nghiệp BĐS phát triển mạnh mảng BĐS đô thị, đặc biệt là những khu đô thị đầy đủ tiện ích tại các trung tâm tỉnh lỵ, vốn có lợi thế từ quỹ đất rộng, dư địa tăng giá mạnh cũng như chính sách thu hút đầu tư tương đối cởi mở từ địa phương.
Tâm điểm thị trường 2020
Tại miền Bắc, Quảng Ninh được xem là tâm điểm “nóng” của thị trường thời gian qua khi liên tiếp đón nhận hàng loạt dự án đô thị nghỉ dưỡng nghìn tỷ như Ha Long Marina, Vinhomes Dragon Bay, Green Bay Garden, Habor Bay Hạ Long... hay FLC Tropical City Hạ Long của Tập đoàn FLC, dự án gây chú ý đặc biệt trong thời gian gần đây nhờ vị trí đắc địa tại vịnh Cửa Lục, tiếp giáp cầu Cửa Lục 3 - khu vực được quy hoạch là trung tâm mới của Hạ Long sau khi sáp nhập Hoành Bồ. Bên cạnh yếu tố vị trí, đây cũng là dự án sở hữu mô hình KĐT đồng bộ với hệ sản phẩm đa dạng gồm shophouse, liền kề, chung cư cùng hệ tiện ích nội khu phong phú…
Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hòa Bình… cũng là những thị trường được giới đầu tư “săn đón” khi quy tụ những tên tuổi lớn về địa ốc như T&T Group, Vinhomes, Geleximco... Trong đó, Vinhomes phát triển dự án KĐT Vinhomes Dream City tại Hưng Yên với nhiều loại hình sản phẩm BĐS như villa, townhouse, shophouse… Còn Kosy đang phát triển loạt Khu đô thị Kosy tại Lào Cai, Bắc Giang, Thái Nguyên…
FLC Tropical City Hạ Long, một trong những dự án gây chú ý của FLC tại Quảng Ninh |
Làn sóng đầu tư khu đô thị cũng đang tiếp tục lan xuống phía Nam với Tây Nguyên và Tây Nam Bộ là hai thị trường mới nổi đầy tiềm năng.
Sở hữu lợi thế vượt trội về quỹ đất tự nhiên rộng lớn, tài nguyên văn hóa di sản dồi dào và tốc độ kinh tế tăng trưởng cao so với bình quân cả nước, Tây Nguyên trở thành vùng đất có sức hút mạnh đối với nhà đầu tư địa ốc. Trong đó, sự xuất hiện bước đầu của một số dự án đô thị trọng điểm như EcoCity Premia của (Capital House), FLC Hilltop Gia Lai hay FLC Legacy Kontum (Tập đoàn FLC) được kỳ vọng sẽ mang đến diện mạo mới cho thị trường Tây Nguyên bởi đây đều là những khu đô thị tiên phong có quy hoạch khá đồng bộ về hạ tầng, tiện ích.
Cùng với Tây Nguyên, Tây Nam Bộ cũng được đánh giá là “miền đất hứa” cho mảng BĐS đô thị nhờ thế mạnh mật độ đô thị dày đặc, chiếm hơn 19% dân số cả nước cùng tốc độ phát triển kinh tế - xã hội năng động. Đáng chú ý với sự phát triển đột phá về hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, Tây Nam bộ đã xóa nhòa thế cách trở đò giang của một “vùng trũng” kinh tế, trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư cả nước.
Hàng loạt dự án đô thị trọng điểm đang được đầu tư tại đây như: Aqua City (Đồng Nai), KĐT Waterpoint (Long An), khu đô thị mới Hồ Nước Ngọt (Cần Thơ), FLC La Vista Sadec (Đồng Tháp)… với những phân khúc đa dạng từ khu phức hợp, căn hộ, nhà phố cho đến đất nền… nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở và thương mại dịch vụ ngày càng gia tăng của người dân.
CBRE dự báo năm 2020 doanh nghiệp BĐS có xu hướng tiếp tục đầu tư vào những khu đô thị với hạ tầng đồng bộ và đa dạng tiện ích, thay vì những dự án đơn lẻ và các sản phẩm trung cao cấp thuộc những khu đô thị như vậy sẽ chiếm lĩnh thị trường.
Nhưng các chuyên gia khuyến cáo khi mức sống càng cải thiện thì khẩu vị nhà đầu tư cũng ngày càng khắt khe. Những dự án đô thị chất lượng có đầy đủ hạ tầng, tiện ích và không gian sống đến từ các chủ đầu tư uy tín sẽ được khách hàng ưu tiên lựa chọn. Doanh nghiệp muốn tồn tại thì về lâu dài, cần phải thay đổi lộ trình để phát triển được những dự án hướng đến đúng nhu cầu thực, mang lại giá trị thực cho khách hàng.