Đây cũng là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng khi đề cập tới việc triển khai các nhóm giải pháp nhằm khắc phục hậu quả của COVID-19 với kinh tế nước ta vừa qua.
Việc hồi phục và phát triển kinh tế trở lại sau dịch là khả thi
Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, về cơ bản Việt Nam đang kiểm soát dịch khá tốt và uy tín của Việt Nam đang được nâng cao hơn bao giờ hết. Cộng đồng quốc tế đánh giá cao công cuộc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của nước ta và đây là một tín hiệu đáng mừng và khả quan cho thấy việc hồi phục và phát triển kinh tế trở lại sau dịch bệnh là hoàn toàn khả thi.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, hơn lúc nào hết, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần phải tập trung phát triển thị trường trong nước, theo hướng ưu tiên sử dụng hàng trong nước và sản phẩm có đầu vào tại Việt Nam, khai thác và sử dụng một các hiệu quả thị trường nội địa. Điều này cũng nằm trong khả năng của nước ta, Thứ trưởng dự báo.
Riêng với việc giải ngân vốn đầu tư công của năm 2020, “với việc quan tâm có giải pháp để đảm bảo tiến độ cùng với niềm tin vào sự mới mẻ của pháp luật (ban hành Luật Đầu tư công sửa đổi, bổ sung) và sự sự chung tay vào cuộc của bộ, ngành, địa phương thì 700 ngàn tỷ đồng dành cho đầu tư công 2020 là hoàn toàn khả thi”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nói.
Hiện, chưa có đề xuất cụ thể nào cho việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2020 nhưng về cơ bản cả Quốc hội và Chính phủ đều thống nhất do đại dịch COVID-19, mức tăng trưởng tối thiểu đạt 5%.
Phát triển tập trung trong nước, ưu tiên thu hút đầu tư có chất lượng cao
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, tác động của COVID-19 khiến cho đầu tư của thế giới giảm từ 30 đến 40% nhưng theo thống kê sơ bộ, Việt Nam chỉ giảm 10-15%, đáng chú ý là góp vốn cổ phần lại tăng 2,5 lần. Điều này minh chứng cho thấy chúng ta đang có nhiều dấu hiệu tích cực để hồi phục và phát triển kinh tế.
ường phố Hà Nội thời điểm thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng COVID-19 |
Thông tin thêm, Thứ trưởng Thắng cho biết, xu hướng chung của đầu tư nước ngoài trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay là đầu tư nước ngoài chỉ giảm, không tăng và có nhiều cạnh tranh khốc liệt. Hiện, nhiều quốc gia cũng đưa ra chính sách “đón lõng” đầu tư, ngay như các nước rất gần Việt Nam như Thái Lan đã đưa gói chính sách ưu đãi đầu tư, Campuchia ban hành Luật Đầu tư nước ngoài mới với nhiều điều chỉnh hấp dẫn. Việt Nam ta hiện đang tập trung thu hút theo hướng ngày càng tiếp đón các nhà đầu tư chất lượng, hiệu quả, đúng như cách nói của Thủ tướng Chính phủ là thu hút các nhà đầu tư chất lượng như “đại bàng đến đẻ trứng vàng”.
Ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục đăng ký quản lý kinh doanh thông tin, 4 tháng đầu 2020, nước ta có 22.700 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh trong ngắn hạn, điều này phản ánh tâm lý tạm thời “đóng băng”, đưa doanh nghiệp về trạng thái “ngủ đông”, sau đó, khi dịch bệnh qua đi, họ sẽ có các phương án xử lý khác nhau.
Bằng chứng là trong 4 tháng đầu, số lượng doanh nghiệp giải thể ít, hơn nữa, riêng tháng 4/2020, có gần 4.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Thiết nghĩ, chúng ta cần phân tích kỹ ở điểm này, đồng thời phát động, khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc của doanh nghiệp, cùng chính phủ chung sức, chung lòng, vượt khó vươn lên.
Ông Võ Huy Hùng, Cục đăng ký quản lý kinh doanh phân tích thêm, điều cơ bản là các doanh nghiệp phải chủ động phương án sản xuất kinh doanh và kịp thời thực thi các giải pháp vực dậy nhanh chóng nền kinh tế. Hiện, ta đang có lợi thế là trong bối cảnh thế giới nhiều nước tăng trưởng âm thì Việt Nam vẫn thuộc nhóm tăng trưởng dương với mức tăng 3,82% của Quý I/2020 cộng với việc cộng đồng quốc tế ngưỡng mộ, đánh giá cao công tác phòng dịch COVID-19, do đó, chúng ta có thể hy vọng sau dịch bệnh này, nước ta sẽ biến lợi thế và cơ hội đó thành nguồn vốn để đóng góp phát triển kinh tế vĩ mô.