“Happening”, bộ phim của nữ đạo diễn Audrey Diwan về vụ phá thai trên đường phố những năm 1960 của Pháp, không dành cho những người yếu tim. Nhiều khán giả đã ngất xỉu tại các buổi công chiếu, thậm chí ngay cả ở Liên hoan phim Venice vào tháng 9 năm ngoái - nơi bộ phim thắng giải Sư tử vàng.
“Nhiều khán giả nam cho hay, trải nghiệm trong phim đã chạm tới ngưỡng chịu đựng của họ,” đạo diễn Diwan trả lời phỏng vấn, “bởi vì họ chưa bao giờ hình dung được viễn cảnh đó.”
Trước khi phát hành tại Mỹ vào ngày 6/5, “Happening” không chỉ chiếm được cảm tình với khán giả trên toàn thế giới mà còn gây ra nhiều cuộc tranh luận xung quanh vấn đề phá thai tại Pháp. Bộ phim được xây dựng dựa trên trải nghiệm thực tế của nữ tác giả nổi tiếng người Pháp Annie Ernaux, người đã ghi chép lại quá trình kết thúc thai kỳ năm 1963 của mình trong một cuốn sách cùng tên. Vào thời điểm đó, hành động trên là bất hợp pháp ở quốc gia này. Hơn 10 năm sau, Pháp mới chính thức hợp pháp hóa việc phá thai.
Đạo diễn Audrey Diwan, 41 tuổi, được sinh ra sau thời điểm đó. “Happening”, với mục đích đem lại trải nghiệm thực tế ngay trên màn ảnh, đã khiến các nghệ sĩ và nhà hoạt động phải lên tiếng về điều cấm kỵ mà họ cảm thấy vẫn còn tồn tại xung quanh thủ thuật trên.
Tại Pháp, thời hạn được phép kết thúc thai kỳ không vì lý do y tế bị hạn chế. Tổng thống Emmanuel Macron ban đầu đã phản đối giới hạn 14 tuần (tăng lên từ 12 tuần), vốn được Quốc hội Pháp thông qua hồi tháng 2. Mặc dù tổng thống Macron cho biết ông sẽ chấp nhận luật mới, ông cũng khẳng định trong chiến dịch tranh cử hồi tháng 3 rằng phá thai “luôn luôn là một bi kịch đối với người phụ nữ.”
“Nỗi xấu hổ được tạo dựng bởi xã hội này luôn thường trực trong mỗi người phụ nữ,” đạo diễn Diwan nói, “và nếu chúng ta đề cập tới nó, chúng ta sẽ phải đặt câu hỏi về quyền lợi này, vốn là một thứ chưa bao giờ được đảm bảo.”
“Nỗi xấu hổ được tạo dựng bởi xã hội này luôn thường trực trong mỗi người phụ nữ,” đạo diễn Audrey Diwan nói. Ảnh: Amy Lombard |
Sau khi “Happening” ra mắt, tháng 12 năm ngoái, tạp chí nữ quyền Causette của Pháp đã dành hẳn trang nhất cho câu chuyện của 13 người nổi tiếng khác với tiêu đề “Vâng, tôi đã phá thai” (“Yes, I Had An Abortion”). Tác giả Pauline Harmange, người đã gây tiếng vang năm ngoái với cuốn sách đầu tay “I Hate Men”, cũng đăng tải bài viết “Phá thai” (“Aborted”) về trải nghiệm của chính mình vào tháng 3 vừa qua.
Harmange cho biết, bài viết này “khó nhằn” hơn nhiều so với cuốn sách trước đó của cô. Trong bài viết, cô miêu tả nỗi đau và sự cô đơn mà cô phải trải qua sau khi thực hiện thủ thuật vào năm 2018, chủ yếu gây ra bởi những kỳ vọng của xã hội. Tuy nhiên, dù kiên quyết ủng hộ quyền được phá thai của phụ nữ, cô cũng lo ngại rằng những dòng chia sẻ trên sẽ trở thành diễn ngôn chống phá thai.
Trong “Happening”, sau khi phá thai, nhân vật chính đã phải vật lộn để tìm kiếm những câu chuyện tương tự, thậm chí bắt đầu tự viết sách như một cách để lấp đầy khoảng trống đó. Còn với Harmange, cô chọn cách dừng đọc các tác phẩm viết bởi tác giả Mỹ. “Vì việc phá thai được cho là dễ dàng hơn ở Pháp, nên có cảm giác rằng ở đây, phá thai không còn là một vấn đề nữa,” cô chia sẻ.
Theo các nhà nghiên cứu, thực tế hoàn toàn trái ngược. Nhà xã hội học Marie Mathieu, người đã nghiên cứu về vấn đề này ở Pháp, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn rằng “sự bất bình đẳng trong khu vực và xã hội” đã hạn chế khả năng tiếp cận thủ thuật của phụ nữ. Mathieu cho biết, những ràng buộc này khiến nhiều phụ nữ phải đến Hà Lan hoặc Tây Ban Nha để tìm cách kết thúc thai kỳ - một hành trình không chỉ tốn kém mà còn ẩn chứa nhiều hiểm nguy.
Cũng theo Mathieu, thực trạng này hầu như không được thảo luận trên các phương tiện truyền thông Pháp. Cô nói: “Phá thai luôn là một vấn đề ở nước ngoài, kể cả trong quá khứ. Chúng ta vui mừng về việc hợp pháp hóa ở Ireland và thất vọng về thất bại ở các quốc gia khác; nhưng tình hình ở Pháp phức tạp hơn nhiều.”
Nhiều khán giả đã ngất xỉu trước sự miêu tả chân thực của bộ phim về vụ phá thai trong con hẻm nhỏ. Ảnh: IFC Films |
Với đạo diễn Diwan, quá trình tìm kiếm tài trợ để sản xuất những bộ phim như “Happening” không hề dễ dàng. “Tôi luôn phải nghe những câu hỏi như ‘Tại sao phải làm vậy? Luật đã được thông qua ở Pháp rồi mà’. Ngân sách của chúng tôi chỉ đủ để xây dựng bối cảnh thời kỳ đó.”
Nam diễn viên chính Anamaria Vartolomei, một diễn viên mới, khiến nhiều nhà sản xuất lo lắng về tiềm năng lợi nhuận của bộ phim. Tuy nhiên, đó không phải là lý do chính. “Đôi lúc, chúng tôi cảm thấy rõ ràng trong số họ, có người phản đối luật phá thai.”
Ngay cả sau khi đã quay "Happening" được ba năm, Diwan vẫn không chắc liệu mình đã sẵn sàng để công khai trải nghiệm phá thai của bản thân. Cô chỉ bị thuyết phục sau khi Anna Mouglalis, người đóng vai bác sĩ nghiêm khắc của bộ phim, đề cập đến chuyện này trong một cuộc họp báo tại Liên hoan phim Venice. Diwan cho biết, cô nhận ra rằng "dấu tích của sự xấu hổ này vẫn còn ảnh hưởng đến tôi."
Mouglalis, diễn viên nổi tiếng người Pháp và nhà hoạt động vì quyền của phụ nữ, một trong những người góp mặt trong câu chuyện trang nhất của Causette, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn rằng nhân vật bác sĩ trong “Happening” rất quan trọng đối với cá nhân cô. Phá thai từ lâu đã là chủ đề tranh luận trong gia đình cô bởi ông ngoại của cô, một y tá, từng thực hiện thủ thuật này một cách bất hợp pháp để giúp đỡ phụ nữ.
Cảm giác hồi hộp và sợ hãi kéo dài trong “Happening” bắt nguồn từ một câu hỏi chính: Liệu những người xung quanh nhân vật chính, từ bác sĩ đến sinh viên đại học hay đồng nghiệp của cô, sẽ giúp đỡ hay tố cáo cô? Đạo diễn Diwan cho biết, luật pháp của Pháp vào thời điểm đó rất "khủng khiếp". “Nếu bạn giúp một phụ nữ phá thai bất hợp pháp, bạn có thể phải ngồi tù. “
Cảnh kết dài 4 phút trong “Happening” không chính xác như ngoài đời, nhưng các cử chỉ của Mouglalis được biên tập cẩn thận sao cho sát nhất với quy trình thực tế. “Tôi muốn tri ân những người phụ nữ ở khắp mọi nơi,” cô nói, đồng thời chỉ ra rằng vấn đề này vẫn còn tồn tại dưới dạng bất hợp pháp ở nhiều quốc gia.