Phát biểu bên ngoài trại giam, người thừa kế của tập đoàn Samsung phát biểu ngắn gọn với báo giới: "Tôi đã gây ra quá nhiều lo lắng cho mọi người. Tôi thực sự xin lỗi."
"Tôi đang lắng nghe cẩn thận những lo lắng, chỉ trích, quan tâm và kỳ vọng cao của mọi người về tôi", ông Lee Jae-yong nói trước khi lên xe ô tô.
Năm 2017, ông Lee đã bị kết án 5 năm tù sau khi vụ bê bối liên quan tới cựu Tổng thống Park Geun-hye bị phanh phui. Tuy nhiên, phó chủ tịch Samsung đã được thả tự do vào năm 2018 sau khi một phiên tòa phúc thẩm bác bỏ hầu hết các tội danh hối lộ của và cho ông hưởng án treo.
Nhưng Tòa án Tối cao sau đó đã xét xử lại vụ án và buộc ông Lee quay trở lại chấp hành bản án cũ.
Hiện ông Lee vẫn đang bị xét xử vì bị cáo buộc thao túng cổ phiếu đã giúp ông dễ dàng nắm quyền kiểm soát tập đoàn Samsung.
Trong lịch sử Hàn Quốc, có không ít nhân vật trong giới tài phiệt bị vướng vòng lao lý vì bị buộc tội hối lộ, biển thủ, trốn thuế,...
Nhưng phần lớn những người này sớm được giảm án hoặc tại ngoại trong thời gian kháng cáo. Thậm chí một số người, bao gồm cả cố chủ tịch Samsung Lee Kun-hee, người từng bị kết án hai lần, đã được Tổng thống Hàn Quốc ân xá để ghi nhận "đóng góp của họ cho nền kinh tế quốc gia".
“Đây là sự đối xử ưu đãi không thể phủ nhận, đặc biệt là trong bối cảnh một phiên tòa riêng biệt vẫn đang diễn ra", giáo sư Song Won-keun từ Đại học Quốc gia Gyeongsang nhận định về việc tha bổng ông Lee Jae-yong.
Tập đoàn Samsung cho đến nay vẫn là đế chế lớn nhất trong số các tập đoàn kinh tế "chaebol" ở Hàn Quốc. Những tập đoàn này đã đóng góp phần lớn vào công cuộc vực dậy Hàn Quốc sau chiến tranh và đưa nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới.
Các gia đình "chaebol" thường chỉ sở hữu một lượng nhỏ cổ phần trong tập đoàn, nhưng duy trì quyền kiểm soát thông qua mạng lưới sở hữu chéo phức tạp giữa các công ty con.
Năm ngoái, ông Lee Jae-yong đã hứa sẽ chấm dứt mối quan hệ thừa kế của gia đình họ Lee tại Samsung, khẳng định ông sẽ không trao lại quyền tiếp quản công ty cho con cái mình.
Việc bỏ tù ông Lee không gây trở ngại cho hoạt động của Samsung Electronics. Lợi nhuận quý II của công ty đã tăng hơn 70%, phần lớn nhờ vào nhu cầu sử dụng thiết bị điện tử khổng lồ của thị trường trong đại dịch.
Bất chấp điều đó, các nhà lãnh đạo của 4 tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc, bao gồm SK Group, Hyundai Motor Group, LG Group và Samsung vào tháng 6 đã gặp Tổng thống Moon Jae-in để thúc giục ông ân xá cho Lee Jae-yong.
Các cuộc thăm dò cũng cho thấy ngày càng nhiều người Hàn Quốc chấp thuận việc ân xá cho "thái tử Samsung", với tỷ lệ ủng hộ lên tới 66%.