Trong cuộc điện thoại với dì ruột ở Ấn Độ, bà Harris được thông báo rằng gần như mọi người ở quê nhà đều đang chiến đấu với dịch bệnh, cả người khỏe lẫn người ốm.
Khi Ấn Độ trở thành tâm dịch trên toàn thế giới - với hơn 26 triệu ca mắc được ghi nhận kể từ ngày 29/2, cùng hơn 307.000 ca tử vong, bà Harris được cho là sẽ có những động thái quan tâm tới quê ngoại của mình, cả ở góc độ cá nhân lẫn chính trị.
Tuy nhiên, bà Harris ít chia sẻ công khai về tình trạng nghiêm trọng đang diễn ra ở Ấn Độ, bà chỉ thường đưa ra những bình luận ngắn gọn khi xuất hiện trong các sự kiện về các vấn đề khác và hiếm khi đề cập đến mối quan hệ gia đình của mình.
Người Mỹ gốc Ấn đang bị chia rẽ sâu sắc trên mọi bình diện, từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Hindu đến những quan điểm xoay quanh cuộc tranh chấp tại vùng Kashmir. Nhưng đại dịch COVID – 19 làn rộng đã giúp cho cộng đồng này trở nên thống nhất hơn và tìm kiếm sự lãnh đạo từ vị Phó Tổng thống có chung cội nguồn với mình.
Hơn 20 người Mỹ gốc Ấn, bao gồm các nhà lãnh đạo cộng đồng, các nhà hoạt động chính trị, quan chức chính phủ và những người khác, đã tiến hành một số cuộc thảo luận.
Chủ đề chính trong các cuộc thảo luận ấy là về vai trò của bà Harris trong việc hỗ trợ Ấn Độ vượt qua khủng hoảng, và liệu bà có nên tác động nhiều hơn, cho thấy vai trò lớn hơn hay không.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. |
Một số người bày tỏ nỗi thất vọng trước những động thái có phần "mờ nhạt" của Phó Tổng thống Mỹ, dù từng nhận được sự ủng hộ của các cử tri gốc Ấn trong cuộc bầu cử năm 2020.
“Điều đó đã dạy cho chúng tôi về những giới hạn mà chính trị gia có thể đại diện”, Sujatha Shenoy, một sinh viêntại Đại học Chicago, cho biết. “Với nhiều người, bà ấy đại diện cho rất nhiều điều. Khi bạn khẳng định rằng bạn đang đại diện cho một cộng động nào đó, bạn phải lên tiếng bảo vệ khi cộng đồng ấy bị tổn thương".
Aditi Kharod, một sinh viên 22 tuổi vừa tốt nghiệp Đại học Bắc Carolina, cho biết cô đánh giá cao việc một phụ nữ gốc Ấn đắc cử chức Phó tổng thống Mỹ, nhưng những gì bà Harris làm được để hỗ trợ cho Ấn Độ trong thời kỳ khủng hoảng là hoàn toàn “trống rỗng”.
Những người chỉ trích bà Harris cho rằng bà ấy có thể sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để thu hút sự chú ý của nước Mỹ và cộng đồng quốc tế đến tình hình tại Ấn Độ và có những biện pháp hỗ trợ. Dù họ thừa nhận những nỗ lực cứu trợ sau đó của chính quyền Biden, nhưng cho rằng bà Harris lẽ ra nên thúc đẩy việc chia sẻ vaccine với các quốc gia khác sớm hơn và cố gắng thay đổi chính sách “Nước Mỹ trên hết”.
Một số người khác cho rằng bà Harris đang trong thế kẹt, giữa lợi ích của Mỹ và nhu cầu của Ấn Độ. Họ cho rằng các hành động của bà Harris – giống như bất kỳ vị phó tổng thống nào, luôn bị giới hạn bởi chương trình nghị sự bao trùm của Tổng thống Joe Biden.
Một số người ủng hộ bà Harris chia sẻ quan điểm rằng bất kỳ chính trị gia thể hiện sử ủng hộ rộng rãi đối với các vấn đề của những quốc gia khác đều có thể bị mang tiếng là tư lợi khi chỉ bênh vực cho một nhóm cụ thể.
Phía Nhà Trắng đã từ chối để Phó tổng thống Kamala Harris thực hiện các cuộc phỏng vấn xoay quanh vấn đề này. Tuy nhiên, theo nguồn tin từ hai quan chức cấp cao cho biết, bà Harris đóng vai trò quan trọng trong những cuộc thảo luận nội bộ của chính quyền Mỹ về cuộc khủng hoảng ở Ấn Độ.
Bà thường xuyên cập nhật thông tin về dịch bệnh ở Ấn Độ qua bản tóm tắt hàng ngày của Tổng thống và tham gia hầu hết các cuộc thảo luận cấp cao, bao gồm cả các cuộc họp đưa ra quyết định gửi oxy y tế và thuốc điều trị, cũng như các vật phẩm khác như máy thở, đồ bảo hộ và nguyên liệu sản xuất vaccine đến Ấn Độ.
Mới đây, chính quyền Mỹ đã ủng hộ đề xuất của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19, cho phép các quốc gia như Ấn Độ nhanh chóng sản xuất.
Những cuộc tranh luận xoay quanh vai trò của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đang diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ người Mỹ gốc Ấn ngày một gia tăng. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, cộng đồng người Mỹ gốc Ấn đã tăng hơn 4,5 triệu người so với hai thập kỷ trước đây, và hơn một nửa số trong số đó đã sống ở Mỹ trên 10 năm.
Một nhóm nghiên cứu của Pew cũng đã tiến hành khảo sát về tỷ lệ ủng hộ Đảng Dân chủ. Kết quả sau cuộc bầu cử vừa qua cho thấy, 78% người Mỹ gốc Ấn đã bỏ phiếu cho Biden, và chỉ có 22% ủng hộ cho cựu Tổng thống Donald Trump.
Dù chính quyền Mỹ đang phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng khác, nhưng để duy trì sự ủng hộ và lòng tin của nhóm cử tri này, bà Harris đã có cách tiếp cận tương đối thận trọng với các vấn đề tại Ấn Độ trong vài tuần qua.
Bà đã cùng các quan chức khác trong chính quyền đăng dòng tweet chia sẻ sự ủng hộ dành cho Ấn Độ vào ngày 25/4 và cho biết cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ấn Độ là vô cùng "đau lòng" khi tham gia buổi họp trực tuyến của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Nhưng các tuyên bố công khai của bà hiếm khi nhấn mạnh mối quan hệ cá nhân với Ấn Độ và bà gần như không có một chính sách hoặc hành động cụ thể nào được đưa ra.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh Chiến thắng AAPI hôm thứ tư, bà Harris đã không hề đề cập đến cuộc chiến chống lại đại dịch của Ấn Độ, dù Giám đốc điều hành của AAPI, ông Varun Nikore – một người Mỹ gốc Ấn, đã giới thiệu bà là “một trong số thành viên của cộng đồng chúng ta”.
Trong khi kỳ vọng quá nhiều nhưng không thấy được những bước đi đột phá, phe chỉ trích cũng đã so sánh bà Harris với 4 thành viên người Mỹ gốc Ấn khác trong Quốc hội Mỹ. Họ chỉ ra rằng nhóm nghị sĩ này mới là những người đi tiên phong trong việc kêu gọi Mỹ viện trợ y tế cho Ấn Độ.
Phó Tổng thống Kamala Harris và 4 nghị sĩ gốc Ấn trong Quốc hội Mỹ. |
Hạ nghị sĩ Ami Bera của đảng Dân chủ cho biết ông đã đề cập đến tình hình tại Ấn Độ trong cuộc họp gần đây do Phó tổng thống Kamala Harris chủ trì, khi họ thảo luận về việc chia sẻ vaccine và vận động cộng đồng người Mỹ gốc Ấn quyên góp ủng hộ.
Ông Bera cũng nhấn mạnh rằng, mặc dù bà Harris có thể có mối liên hệ cá nhân với Ấn Độ, nhưng điều đó không có nghĩa bà ấy có thể chi phối các chính sách của Mỹ.
“Tôi biết bà ấy vô cùng tự hào về cội nguồn vàdòng máu Ấn Độ trong mình,” Hạ nghị sĩ Raja Krishnamoorthi của đảng Dân chủ chia sẻ. "Tôi biết bà ấy đang đấu tranh để viện trợ cho Ấn Độ, và đảm bảo rằng, giống như bất kỳ quốc gia bị ảnh hưởng khó khăn nào khác, nước này sẽ nhận được sự hỗ trợ cần thiết".
Dù danh tính của bà Harris là gì, một người Mỹ hay người Mỹ gốc Ấn hay người Mỹ da màu, điều đó cũng không ràng buộc bà ấy phải đóng một vai trò cụ thể nào với Ấn Độ.