Tại mùa 8 của chương trình Anthony Bourdain: Parts Unknown được phát trên kênh truyền hình CNN hồi tháng 9/2016, trong suốt 42 phút, đầu bếp Anthony Bourdain đã hòa mình vào dòng người địa phương khám phá thủ đô của Việt Nam, tận hưởng ẩm thực nơi đây. Trong số những món ăn được ông Bourdain giới thiệu có một món ăn rất đặc biệt: Món "bún chửi".
Khách ra vào tấp nập tại quán bún số 41, Ngô Sĩ Liên ngày 23/5. |
Ngay khi chương trình được lên sóng, đã xuất hiện hai luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người tỏ ra phấn khích vì món ăn dân dã của Việt Nam đã được kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ quảng bá. Thế nhưng, cũng không ít người cảm thấy xấu hổ khi những hình ảnh xấu xí về văn hóa Hà Nội được lan truyền đến bạn bè quốc tế.
Chúng tôi trở lại quán "bún chửi" của bà Hán Kim Thảo (61 tuổi) tại số 41 Ngô Sĩ Liên, Hà Nội vào một buổi trưa cuối tháng 5. Chẳng có gì ngạc nhiên khi từ tầng 1 đến tầng 2 của ngôi nhà chật kín người đến nỗi người trước ăn xong nhân viên không kịp dọn bàn cho người kế tiếp.
Cái tên "bún chửi" dường như đã trở thành thương hiệu và chúng tôi nghĩ đây cũng là một phần nguyên nhân khiến người ta kéo đến đây nườm nượp mỗi ngày.
Trong suốt 45 phút ngồi ăn bún, chúng tôi đã được nghe bà chủ văng tục với 2 vị khách và cả nhân viên của mình.
Một người mang theo ba lô cồng kềnh khi đến ăn nhưng không ngồi ngay vào bàn mà đứng chặn ngay ở lối đi bị bà Thảo mắng té tát: “Chị ba lô đi vào thì đi đi, vào trong ngồi đi không phải hỏi. M* mày nhìn M* L*, vứt ba lô bây giờ đấy".
Một trường hợp khác, chàng thanh niên ăn xong bước ra kèm theo đó là câu hỏi: "Cô ơi, hết bao nhiêu tiền?", bà chủ ngẩng lên "xả" vào mặt người này một loạt: "Có 40 ngàn thôi mày, thấy đắt thì lần sau đừng ăn. M* mày có 40 ngàn, lần sau có ăn thì bảo làm ít thì ít tiền".
Chàng trai im lặng, nhịn nhục trả tiền rồi vội vàng ra dắt xe về. Sau đó, bà chủ quán còn bồi thêm: “Chê bún đắt lần sau mua xôi mà ăn, thằng hãm L*".
Vừa dứt lời chửi cậu thanh niên trẻ, bà chủ quán lại quay sang nói với nhân viên tên Tâm: "Gọi bún đầy đủ tao Đ* làm đâu".
Sau màn chửi khuyến mãi của bà chủ, cả quán ăn bỗng dưng im phăng phắc, ai nấy ngừng nói chuyện.
Một nhân viên trên tay bê 2 bát bún móng giò vội phân bua: "Bà chủ đã chửi ít hơn trước rồi đấy. Nhưng khi khách đông, nhân viên làm lộn xộn, đem sai cho khách hay khách không có ý thức bà ý mới chửi. Chửi thì chửi, ai quen tính bà rồi thì chả để ý nữa. Bà ý giảm chửi rồi, cũng có người cố tình trêu tức, chọc giận, nhưng bà chỉ cười".
Một người khách ngồi cùng bàn quay sang phía tôi nói: "Chị tới đây ăn vì tò mò để xem bà ý chửi như thế nào, hôm nay chứng kiến, quả là ghê thật".
Có thể với những vị khách quen, đúng là bà chủ quán đã chửi ít hơn trước. Nhưng với những người lần đầu đặt chân đến quán thì “bún chửi” vẫn là món ăn kinh hoàng, đầy ám ảnh.
Nhiều người nhẫn nhục chịu đựng với lí do, ăn ở đó ngon hay bà ấy không chửi mình là được. Dần dà, việc nhẫn nhục, chịu đựng, "lâu rồi sẽ quen" đã trở thành phong cách của nhiều người.
Còn ông Bourdain thì hài hước cho rằng món chửi của bà chủ quán cũng là một món trên thực đơn. Và mặc kệ "món chửi" gia vị, người đầu bếp danh tiếng này không ngớt lời khen cho món bún đậm đà của quán.
Suy cho cùng, chính khách hàng tiếp tay cho các loại hình dịch vụ phi lý này tồn tại. Đây chỉ là một trong số nhiều ví dụ điển hình về việc thờ ơ, dễ dàng chấp nhận bỏ qua cho được việc của một số người, khiến văn hóa phục vụ của Việt Nam bị méo mó.
Theo VTC News