Trước đó, Trung Quốc cùng với Nga, là hai nước lớn tỏ ra thận trọng trước kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, dù các hãng thông tấn uy tín đều khẳng định ông Joe Biden giành chiến thắng trước đương kim Tổng thống Donald Trump.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin, mới đây đã lên tiếng chúc mừng ứng viên đảng Dân chủ: “Chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn của người dân Mỹ. Chúng tôi xin chúc mừng ông Biden và bà Harris.”
Ông Wang không đưa ra lý do cho sự chậm trễ nhưng cho rằng "kết quả sẽ được xác nhận theo luật và thủ tục của Mỹ."
Quan hệ Mỹ - Trung hiện đã xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua sau hàng loạt các cuộc đụng độ giữa chính phủ hai nước trên các mặt trận thương mại, công nghệ.
Tổng thống Donald Trump coi Trung Quốc là một mối đe dọa an ninh và áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với các công ty Trung Quốc. Hôm thứ Năm, ông Trump đã ban hành lệnh cấm người Mỹ đầu tư vào chứng khoán do các công ty mà Washington nghi ngờ do quân đội Trung Quốc đứng sau.
Các nhà phân tích cho biết ngay cả khi thua cuộc bầu cử, ông Trump có khả năng sẽ cố gắng tăng áp lực lên Bắc Kinh trước khi rời nhiệm sở vào ngày 20/1.
Giới quan sát kỳ vọng ông Biden sẽ cố gắng nối lại hợp tác với Bắc Kinh về vấn đề biến đổi khí hậu, bán đảo Triều Tiên, thỏa thuận hạt nhân Iran và đại dịch COVID-19. Ông Biden được cho là sẽ theo đuổi một chính sách truyền thống hơn, dễ đoán hơn đối với Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế và nhà phân tích chính trị không loại trừ khả năng sẽ có ít thay đổi lớn trong quan hệ song phương do giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn còn tồn tại quá nhiều mâu thuẫn.
Chuyên gia Louis Kuijs của công ty Oxford Economics cho biết lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc nhận được sự ủng hộ rộng rãi của giới tinh hoa Mỹ. “Các tuyên bố và chương trình chính sách của riêng Biden cho thấy ông ấy sẽ tiếp tục cố gắng duy trì vị trí dẫn đầu về công nghệ của Mỹ và thu hút hoạt động sản xuất”, ông Kuijs chỉ ra.
Một số nhà phân tích còn cho rằng nước Mỹ dưới thời Joe Biden có thể gây khó chịu với Trung Quốc còn hơn dưới thời ông Trump do chính phủ mới chủ trương tái lập liên minh với phương Tây.
Trung Quốc đã cố gắng chiêu mộ Đức, Pháp, Hàn Quốc và các nước khác làm đồng minh chống lại Mỹ nhưng tất cả đều từ chối. Các nước phát triển chỉ trích chiến thuật thương mại của Trump nhưng cũng cho rằng Trung Quốc đang vi phạm các cam kết thương mại tự do của mình.
Một số chuyên gia thương mại Trung Quốc đã gợi ý chính quyền Bắc Kinh có thể cố gắng đàm phán lại thỏa thuận "Giai đoạn 1" được ký vào tháng 1 vừa qua như một bước đầu tiên để chấm dứt chiến tranh thương mại.
Ông Kuijs cho biết, tái đàm phán có thể phù hợp với “định hướng chiến lược hơn, dài hạn hơn” mà chính quyền Biden mong đợi, nhưng ông Biden “không thể mềm mỏng với Trung Quốc sau những lời lẽ cứng rắn trong chiến dịch tranh cử".
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra trầm lặng hơn trong cuộc bầu cử năm nay so với cuộc đua Tổng thống năm 2016, khi họ ủng hộ ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump hơn cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Bắc Kinh không muốn ứng viên đảng Dân chủ chiến thắng và đưa chính sách đối ngoại dưới thời Tổng thống Barack Obama trở lại, vốn luôn gây sức ép với Trung Quốc về vấn đề nhân quyền.
Trong khi sự nghiệp kinh doanh thành đạt của ông Trump đã gây được tiếng vang lớn đối với công chúng Trung Quốc. Tuy nhiên sau đó chính vị tỷ phú này đã khởi xướng một cuộc chiến thuế quan dai dẳng giữa hai nước, gây thiệt hại lớn cho các công ty Trung Quốc.