Nhân dịp này, phát biểu ý kiến tại buổi họp báo tại Hà Nội ngày 21/1 vừa qua, Đại sứ Đức tại Việt Nam, bà Jutta Frasch khẳng định quan hệ chính trị giữa Đức và Việt Nam đã trở nên khăng khít hơn bao giờ hết khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào tháng 10/2011.
Ảnh minh họa |
Để thúc đẩy quan hệ hai nước, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Steinmeier sẽ sang thăm Việt Nam vào giữa tháng 3 năm nay. Chủ tịch QH Đức, ông Norbert Lammert cũng sang Việt Nam vào cuối tháng 3 để triển khai đối thoại chính trị Đức - Việt Nam. Đại sứ Jutta Frasch cũng cho biết, Tổng thống Đức Joachim Gauck sẽ mời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang thăm chính thức CHLB Đức vào cuối năm nay.
Theo Đại sứ Jutta Frasch, quan hệ ngày càng khăng khít giữa Việt Nam và Đức còn được minh chứng qua con số 120.000 người Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc tại Đức. Với sự hỗ trợ tích cực của Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD), hiện có hơn 4.600 sinh viên Việt Nam theo học tại các trường đại học, cao đẳng tại Đức và hơn 8.000 sinh viên theo học tiếng Đức tại Việt Nam. Trường đại học Việt - Đức tại TP Hồ Chí Minh cũng mở rộng cánh cửa tới đại học Đức với bằng cấp Đức dành cho các sinh viên Việt Nam.
Bên cạnh những trọng tâm trong hợp tác phát triển chính trị - kinh tế, Đại sứ Đức cho rằng điều quan trọng để quan hệ giữa hai nước thêm gắn bó chính là gắn kết quan hệ giữa người dân Việt Nam và Đức qua các chương trình giao lưu. Từ tháng 3 năm nay, Đức sẽ tổ chức một loạt hoạt động quảng bá, lễ hội và các hoạt động văn hóa khác nhằm góp phần thiết thực kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.
Ảnh minh họa |
Theo đó, Viện Goethe tại Hà Nội sẽ tổ chức một loạt các sự kiện văn hóa đa dạng trong khuôn khổ năm kỷ niệm, trong đó nổi bật là Liên hoan phim Đức dự kiến diễn ra vào tháng 9. Một điểm nhấn đặc biệt của năm kỷ niệm là sự kiện lễ hội Đức dành cho mọi lứa tuổi, sẽ diễn ra vào ngày 28-3. Lễ hội Đức với các hoạt động ca nhạc, ẩm thực, các hoạt động văn hóa, các buổi trao đổi và thuyết trình sẽ cung cấp một cái nhìn tổng quát về nước Đức tới người dân Việt Nam. Chủ tịch QH Đức Norbert Lammert sẽ là vị khách mời danh dự của chương trình này.
Cũng trong năm nay, các doanh nghiệp Đức sẽ có nhiều hoạt động tại Việt Nam nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại. Dự kiến phòng Thương mại & Công nghiệp Đức -Việt sẽ được khai trương tại Việt Nam với vai trò thúc đẩy cầu nối hợp tác kinh tế - thương mại hai nước. Trong năm 2015, Đức sẽ khởi công dự án xây dựng Ngôi nhà Đức tại TP Hồ Chí Minh. Thời gian tới, Đức cũng sẽ thúc đẩy giải ngân vốn vay ODA, bảo vệ môi trường và chiến lược tăng trưởng xanh, hợp tác trong lĩnh vực nhà nước pháp quyền với Việt Nam.
Ảnh minh họa |
Bà Frasch cho biết, một trong những trọng tâm hợp tác hai nước trong thời gian tới là đào tạo nghề. Từ năm 2014, Đức đã thúc đẩy hoạt động đào tạo nghề cho học sinh, sinh viên Việt Nam với việc áp dụng thí điểm mô hình đào tạo song hành. Theo đó, các học sinh, sinh viên học lý thuyết ở trường học rồi được thực hành trong môi trường doanh nghiệp Đức ở Việt Nam. Mô hình này đã được hình thành từ tháng 10-2014, sau khi Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ) ký thỏa thuận thực hiện hợp phần Trung tâm Đào tạo nghề chất lượng cao Lilama 2 tại Đồng Nai. Trung tâm là nơi cung cấp giáo dục nghề nghiệp, đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghề hợp nhu cầu thực tế của thị trường theo tiêu chuẩn quốc tế.
>>> Xem thêm
Quan hệ Việt - Mỹ và chặng đường bền chặt hơn trong 20 năm tới
Hợp tác cùng Thời nay