Quảng bá du lịch hay đến mấy cũng thất bại vì rác

[Ngày Nay] - Bãi biển Thuận An (Thừa Thiên - Huế) một ngày nắng cháy, nước lấp lánh soi ánh mặt trời, hàng cây trên bờ xanh rì đón gió... Đối lập với khung cảnh nên thơ ấy là rác thải nhựa bập bềnh, chìm nổi trên mặt nước. Dưới chân người, la liệt chai nhựa theo sóng dạt vào bờ.
Quảng bá du lịch hay đến mấy cũng thất bại vì rác

Chỉ có 10 thành viên nhóm Cộng đồng Xanh Việt Nam hì hụi nhặt rác mãi không xong...

Phong trào thì nổi…

Những năm gần đây, rất nhiều bạn trẻ từ Nam tới Bắc đã có những hành động nhỏ như chạy bộ nhặt rác, tắm biển dọn vệ sinh bãi biển, thành lập CLB sống xanh...  để cứu môi trường. Rất nhiều những hoạt động ý nghĩa về chung tay dọn sạch rác thải, bảo vệ môi trường địa phương… được khuấy động trong giới trẻ, trong cộng đồng dân cư. Nhiều hoạt động đã gây tiếng vang lớn và tạo dấu ấn đẹp trong lòng du khách, như hoạt động của nhóm Cộng đồng Xanh Việt Nam.

Nhóm Cộng đồng xanh Việt Nam mới thành lập được 2 năm, với khoảng 3.000 thành viên khắp mọi miền Tổ quốc. Nhân ngày Môi trường thế giới năm nay, nhóm trẻ này đã đồng loạt hoạt động nhặt rác cứu môi trường ở khắp các tỉnh thành. Chỉ trong một buổi sáng cuối tháng 5/2020, các thành viên Cộng đồng Xanh Việt Nam ở 40 tỉnh thành đã thu gom tổng cộng 1.050 bao rác, phần lớn là các loại rác thải nhựa, rác thải sinh hoạt do người dân vứt bừa bãi, không đúng nơi quy định ở các địa điểm du lịch, công cộng.

Quảng bá du lịch hay đến mấy cũng thất bại vì rác ảnh 1

Cụ thể, 45 tình nguyện viên của nhóm tại TP HCM đã miệt mài dọn rác tại khu vực ngã tư quận Thủ Đức, thu gom 60 bao rác thải. 12 tình nguyện viên tại Bình Dương dọn rác ở Làng đại học TP HCM thu gom 30 bao rác. 14 tình nguyện viên ở Hà Tĩnh tổ chức nhặt rác ở kênh Cày và Công viên văn hóa thể thao Lý Tự Trọng (huyện Thạch Hà), thu gom 13 bao rác. Tại Thừa Thiên - Huế, 10 tình nguyện viên tham gia dọn rác dọc bãi biển Thuận An, thu gom 10 bao rác...

Trước đó, hồi tháng 4/2019, một nhóm các bạn trẻ nhóm Eco Lagi đã khuấy động phong trào làm sạch bãi biển Lagi. Lagi là một bãi biển xinh đẹp miền Nam Trung bộ thuộc tỉnh Bình Thuận, một điểm đến khá nổi tiếng của giới trẻ. Trong hai ngày 14 - 15/4/2019, bãi biển Lagi nhộn nhịp bước chân của hàng trăm người trẻ với chiến dịch “Biển Lagi không rác”. Tuy chỉ là chiến dịch tự phát do những người trẻ thế hệ 7X, 8X, 9X khởi xướng nhưng nó nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cư dân và doanh nghiệp. Theo chân các bạn trẻ tình nguyện viên đi nhặt rác quanh biển Lagi hôm ấy có cả trẻ em vùng biển, người dân địa phương, khách du lịch… Dự án đã kết thúc với thành quả hơn 300 túi rác được thu gom, một khoảng lớn rừng dương được dọn sạch, một bãi cát dài không vương vãi chai nhựa, túi nilon...

Quảng bá du lịch hay đến mấy cũng thất bại vì rác ảnh 2

Ở Hà Nội, cứ mỗi dịp cuối tuần, không ít bạn trẻ nhóm Keep Hanoi Clean lại rủ nhau đến khu vực bãi đá sông Hồng (Hà Nội) dọn rác. Không ai bảo ai, họ thu nhặt túi nilon, chai nhựa hay những rác thải lâu ngày bám chắc vào bãi đá như keo… để làm sạch khu vực vốn  thu hút được rất nhiều người đến chụp ảnh. Địa điểm du lịch hấp dẫn ấy càng đông khách thì càng lắm rác. Một thành viên trong nhóm kể lại, cứ sau mỗi tuần ghé chân lại thấy cảnh cũ tái diễn: rác thải tràn lan, dọn mãi không xuể.

Đó không phải là điều bất ngờ. Ngay cả bờ biển Lagi, Bình Thuận, sau ngày “ra quân” hùng hậu của các bạn trẻ, rác lại dập dềnh theo sóng vào bờ. Thành quả của chiến dịch “Biển Lagi không rác” giữ được bao nhiêu lâu phụ thuộc vào công gìn giữ của chính người dân Lagi và cộng đồng khách du lịch nghỉ chân tại vùng biển này.

… Ý thức còn chìm

Câu chuyện em Phạm Trọng Đạt, học sinh lớp 6/1, Trường THCS Long An (Long Thành, Đồng Nai) đi học về ngang qua chiếc cống nhìn thấy rác làm tắc dòng chảy đã không ngại quay lại don rác. Không ai cổ vũ, không ai sai khiến, em vẫn cặm cụi một mình nhặt rác khiến cộng đồng mạng bất ngờ và xúc động. Việc làm của Đạt chỉ được ca tụng khi camera nhà dân ngẫu nhiên ghi lại, sau đó người ta đăng tải trên mạng xã hội. Hành động đẹp ấy lập tức nhận được “cơn mưa” like của người lớn. Nhưng đó là một trong những hình ảnh đẹp rất hiếm hoi trên mạng xã hội. Dù trước đó, mỗi khi chương trình Countdown đón năm mới, chào năm cũ kết thúc, không ít bạn trẻ ở Hà Nội hay TP HCM, Đà Nẵng… đã có ý thức nán lại để nhặt rác làm sạch đường phố, nơi diễn ra lễ hội.

Những hành động rời rạc ấy khó mà giải quyết được vấn nạn ô nhiễm môi trường ở các điểm du lịch, điểm công cộng khắp từ Nam chí Bắc. Rác vẫn lềnh phềnh trên biển không có dấu hiệu chấm dứt, những bờ biển tươi đẹp vẫn tràn ngập túi nilon, rác thải...

Không thể phủ nhận, dọn rác làm sạch môi trường đã và đang trở thành phong trào được nhen nhóm, ra quân triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước. Trên nhiều diễn đàn, trang cá nhân facebook, những lời kêu gọi, khích lệ cộng đồng chung tay dọn rác, trả lại màu xanh cho biển cả, hồi sinh các khu du lịch bị rác “phá nát”… xuất hiện ngày càng nhiều. Cũng trên mạng, nhiều nhóm bạn trẻ truyền tai nhau ý tưởng tái chế đồ cũ, hạn chế xả rác… để môi trường cải thiện tích cực hơn, hiệu quả hơn. Nhưng rõ ràng, để xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, coi hành động nhặt rác, giữ gìn môi trường trở thành thói quen thường xuyên, đều đặn như cơm bữa với tất cả người dân Việt Nam lại là câu chuyện dài, không thể một sớm một chiều.

Nhiều chuyên gia môi trường đề nghị, thay vì vận động mọi người đi nhặt rác, hãy vận động họ không xả rác ra môi trường ngay từ chính lối sống hàng ngày. Ai xả rác bừa bãi sẽ bị phạt nặng để răn đe. Ở Việt Nam, luật đã có, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã có, mức phạt dao động từ 1-7 triệu đồng cho các hành vi xả rác, nhưng tác dụng thì chưa thực sự hiệu quả.

Quảng bá du lịch hay đến mấy cũng thất bại vì rác ảnh 3

Giảm rác thải phải đi từ ý thức của người dân - đó là điều mà Thủ đô Hà Nội, một trong những điểm du lịch hấp dẫn khách quốc tế phấn đấu thực hiện trong dự án “Cam kết Thành phố tham vọng” mới khởi động trong tháng 6/2020 - tháng hành động vì môi trường. Theo đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, dự án lấy cảm hứng từ “Lời hứa của Seoul” - dự án xã hội mà 10 triệu công dân Seoul, Hàn Quốc đã cam kết chung tay thực hiện. Trước đó, Seoul đưa ra lời hứa, cam kết giảm 25% lượng khí thải CO2 vào năm 2020 và 40% (khoảng 20 triệu tấn CO2 tương đương) vào năm 2030 tính từ mức năm 2005, tạo ra một thành phố có hàm lượng carbon thấp, hiệu quả năng lượng cao. Và tính đến năm 2019, họ đã thực hiện được mục tiêu đề ra cho năm 2020. Còn Hà Nội, một trong những cam kết thực tế nhất được đặt ra là thay đổi ý thức người dân, xóa sổ hoàn toàn bếp than tổ ong vào cuối năm 2020.

Hy vọng rằng các cam kết kèm theo những hành động thiết thực của người dân sẽ giúp Hà Nội xanh trở lại, xứng đáng là thành phố vì hòa bình và đáng sống. Hơn hết, là thành công của chính quyenf trong việc tác động đến ý thức, nâng cao dân trí, đưa người dân trở thành chủ thể chính bảo vệ môi trường sống của họ.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.