“Chúng tôi đang sử dụng tất cả các công cụ ngoại giao có thể để giải cứu họ, nhưng Nga không cho phép áp dụng bất kỳ phương án nào được đề xuất. Chúng tôi đã yêu cầu các đối tác cung cấp vũ khí để giải vây Mariupol và giải cứu cả dân thường và quân nhân”, ông Zelenskyy nói.
Trong khi đó, đêm 10/5 (theo giờ địa phương), Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu thông qua gói viện trợ nhân đạo và quân sự trị giá 40 tỷ USD cho Ukraine. Đạo luật này dự kiến sẽ được thông qua tại Hạ viện và sau đó là Thượng viện trong những ngày tới.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội phê duyệt khoản viện trợ bổ sung 33 tỷ USD cho Ukraine, cảnh báo rằng các khoản tiền được ủy quyền trước đó đã cạn kiệt, nhưng các nhà lập pháp Mỹ quyết định tăng tổng tiền đó lên 39,8 tỷ USD.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết trong một lá thư gửi các thành viên Hạ viện kêu gọi thông qua nhanh chóng dự luật trên: “Gói viện trợ này, được xây dựng dựa trên sự ủng hộ mạnh mẽ được Quốc hội bảo đảm, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Ukraine bảo vệ không chỉ quốc gia của mình mà còn bảo vệ nền dân chủ cho thế giới”.
Hãng tin AFP cho biết, hôm 9/5, các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ đã ký một thỏa thuận về chi thêm 6,8 tỷ USD bổ sung vào gói 33 tỷ USD mà Nhà Trắng yêu cầu trước đó để trợ giúp Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Số bổ sung này bao gồm thêm 3,4 tỉ USD hỗ trợ quân sự và nhân đạo.
Nếu gói viện trợ được thông qua như kế hoạch, tổng chi tiêu của Mỹ cho tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine cũng như giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo sẽ tăng lên khoảng 54 tỷ USD.
Việc thông qua gói viện trợ khổng lồ diễn ra khi một quan chức hàng đầu của Mỹ cảnh báo rằng Tổng thống Nga Putin đang chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài có thể vượt ra ngoài miền đông Ukraine.
"Chúng tôi đánh giá Tổng thống Putin đang chuẩn bị cho cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine khi ông có ý định đạt được các mục tiêu khác ngoài Donbas", Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines cho biết trong một cuộc điều trần tại Quốc hội.
Bà Haines nói thêm rằng ông Putin đang trông đợi quyết tâm của Mỹ và EU sẽ suy yếu khi xung đột tiếp tục gây ra tình trạng thiếu lương thực và lạm phát, bao gồm cả giá năng lượng liên tục leo thang.
Lính Nga tuần tra nhà hát kịch Mariupol vào tháng 3/2022. Ảnh: Daily Sabah. |
Trong một diễn biến khác, theo đài RT (Nga), Kiev đã viện lý do "bất khả kháng" để ngăn chặn một phần ba dòng khí đốt quá cảnh của Nga đến châu Âu.
Ngày 10/5, Cơ quan Vận chuyển khí đốt của Ukraine (OGTSU) đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng, nói rằng không thể tiếp tục vận chuyển khí đốt thông qua một điểm kết nối và trạm nén nằm trong khu vực Lugansk. Công ty tuyên bố, do nhân viên OGTSU “không thể thực hiện việc kiểm soát vận hành và công nghệ” đối với điểm kết nối Sokhranovka và trạm máy nén Novopskov, công ty không thể tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng.
OGTSU khẳng định, khí đốt từ điểm kết nối trên sẽ không được nhập vào hệ thống trung chuyển của Ukraine bắt đầu từ 7 giờ sáng ngày 11/5 (theo giờ địa phương).
Sokhrankovka chiếm gần 1/3 lượng khí đốt của Nga vận chuyển qua Ukraine đến châu Âu - lên tới 32,6 triệu mét khối mỗi ngày.
Trong khi đó, người phát ngôn của công ty Gazprom (Nga) Sergey Kupriyanov cho biết Gazprom chưa nhận được xác nhận về tình trạng bất khả kháng hoặc gián đoạn hoạt động tại Sokhranovka hoặc Novopskov.
Ông Kupriyanov chỉ ra rằng Gazprom đang hoàn thành tất cả các nghĩa vụ của mình đối với khách hàng châu Âu, với tất cả các dịch vụ trung chuyển đều phù hợp với các điều khoản hợp đồng và được thanh toán đầy đủ.
Moskva đã tiếp tục vận chuyển khí đốt đến châu Âu, bao gồm cả quá cảnh qua Ukraine, bất kể hoạt động quân sự đang diễn ra và các lệnh cấm vận chống lại Nga do Mỹ và các đồng minh của EU áp đặt.